menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam - Mông Cổ: Hợp tác đẩy mạnh xuất khẩu

09:06 11/08/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam - Bilegdorj Dash

Vinanet - Đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận trong chương trình kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật (UBLCP) tại Ulan Bator (Mông Cổ).
Hai bên tập trung thảo luận các vấn đề lớn về hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ, bao gồm quan hệ ngoại giao, quốc phòng và an ninh; kinh tế, thương mại và đầu tư; nông nghiệp và phòng chống thiên tai; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải; giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch; lao động, y tế và các lĩnh vực khác.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian qua, hai bên đã thống nhất định hướng hợp tác và thảo luận các biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác một cách thực chất, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ hai nước.
Cụ thể, các lĩnh vực được định hướng ưu tiên hợp tác trong kỳ họp này gồm: Thương mại, nông nghiệp, du lịch. Thời gian tới, hai bên sẽ quan tâm thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường của nhau các loại hàng hóa có thế mạnh và bổ trợ cho nhau. Mông Cổ mong muốn xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm thịt chế biến và đông lạnh (dê, cừu, ngựa), nguyên liệu (da, lông, len), sản phẩm da, khoáng chất, bột thịt xương và một số trái cây đông lạnh. Việt Nam mong muốn xuất khẩu sang Mông Cổ các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, thực phẩm chế biến như gạo, chè, cà phê, bánh kẹo, hoa quả tươi (thanh long, sầu riêng, măng cụt, vải, xoài, hoa quả, hạt, chuối...), nước trái cây đóng hộp, thịt lợn, gà, trứng, thuốc thú y, vaccine, mật ong, hải sản, đồ uống, hàng tiêu dùng, hàng dệt, máy móc và thiết bị dân dụng.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thông tin giữa các tổ chức trong việc hỗ trợ thương mại giữa hai nước và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp của hai nước tham gia các hoạt động triển lãm quốc tế và trong nước, cũng như hỗ trợ các hình thức hợp tác khả thi khác…
Việt Nam - Mông Cổ đã 3 lần ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (1961, 1979, 2000) và khoảng 20 hiệp định mới về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và các lĩnh vực khác. Hai nước đã công nhận nhau là kinh tế thị trường đầy đủ từ năm 2013.
Nguồn: Đình Dũng/Báo Công Thương điện tử