menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu cà phê vào EU tăng gần 40% trong 6 tháng đầu năm 2024

00:00 24/07/2024

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU đạt 1.246,2 triệu USD, giảm 8,4% về lượng song tăng 39,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
 
Tỷ trọng xuất khẩu hàng cà phê của Việt Nam sang EU chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2024. Riêng trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU đạt khoảng 24.000 tấn, trị giá 108,004 triệu USD; giảm 12% về lượng và 6,58% về giá trị so với tháng trước đó và giảm 49,53% về lượng và 12,52% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang EU trong tháng 6/2024 đạt 4.435 USD/tấn, tăng 6,16% so với tháng 5/2024 và tăng 73,32% so với tháng 6/2023. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang EU trong 6 tháng đầu năm đạt 3.480 USD/tấn, tăng 53,87% so với cùng kỳ 2023.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cà phê hàng tháng của Việt Nam sang EU biến động rất mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 1, 3/2024 song giảm mạnh trong tháng 2,4,5,6/2024.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU giảm về lượng là do trữ lượng thấp, nguồn cung không còn nhiều. Đầu tiên là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến khô hạn xảy ra nhiều nơi, đặc biệt ở Tây Nguyên, vùng trọng điểm trồng cà phê của Việt Nam. Lượng mưa tăng vào cuối tháng 7 là tín hiệu tốt cho mùa màng, dự kiến mùa mưa sẽ tiếp tục kéo dài hết tháng 10, trước khi vụ thu hoạch mùa mới bắt đầu khoảng tháng 10,11 hàng năm.
Thứ hai, những năm vừa qua, giá cà phê rất thấp, chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, do đó nông dân không đầu tư nhiều vào cây trồng này. Nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích cây cà phê sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, bơ, chanh dây. Ngoài ra, một số diện tích trồng cà phê đã già cỗi mà chưa kịp tái canh nên ảnh hưởng lớn đến sản lượng. Trong khi, vụ cà phê mới phải đến tháng 10, tháng 11 mới bắt đầu thu hoạch. Do vậy, nguồn hàng để doanh nghiệp thu mua xuất khẩu rất hạn chế.
Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2023-2024 ước giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn, thấp nhất trong 4 năm, đặt áp lực lên nguồn cung Robusta trên thị trường thế giới.
Kết thúc 9 tháng đầu niên vụ 2023/24 (từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,26 triệu tấn cà phê, đạt khoảng 86% trong tổng số sản lượng 1,47 triệu tấn của niên vụ hiện tại và giảm hơn 11% so với cùng kỳ niên vụ trước. Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì Việt Nam chỉ còn lại khoảng 210.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 4 tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới diễn ra.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU cũng có nhiều thuận lợi như lợi thế từ Hiệp định EVFTA mang lại, chất lượng cà phê ngày càng được nâng cao đẩy giá tăng lên, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã giảm bớt. Ngoài ra, nguồn cung cà phê toàn cầu sụt giảm kể từ năm 2022, đặc biệt là tại Brazil, Colombia, Peru… vốn là những đối thủ cạnh tranh với Việt Nam cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam chiếm thị phần tại EU.
Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang EU ngày càng tăng chứng tỏ mặt hàng này đã tận dụng tốt cơ hội tiếp cận và thâm nhập thị trường EU, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ưu đãi thuế quan, hưởng thuế suất ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.
Cơ cấu thị trường thành viên theo kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường lớn thuộc khu vực EU có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ 2023 nhờ giá tăng. Trong đó:
Xuất khẩu cà phê sang thị trường Đức lớn nhất đạt 383,4 triệu USD (tương đương 112,2 nghìn tấn), tăng 37,39% về giá trị song giảm 13,3% về khối lượng so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 31,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam sang thị trường EU, thấp hơn mức tỷ trọng 31,97% cùng kỳ 2023. Riêng trong tháng 6/2024, xuất khẩu đạt 7,5 nghìn tấn, trị giá đạt 32 triệu USD, giảm 5% về lượng nhưng tăng 1% về giá trị so với tháng 5/2024 và giảm 51,47% về lượng và giảm 17,36% về giá trị so với tháng 6/2023.
Đứng thứ hai là thị trường Italy, xuất khẩu đạt 276,25 triệu USD (tương đương 86,5 nghìn tấn), giảm 6,66% về lượng song tăng 46,95% về giá trị so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 22,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam sang thị trường EU, thấp hơn mức tỷ trọng 23,07% vào cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tháng 6, xuất khẩu cà phê đạt 21 triệu USD (tương đương 5,7 nghìn tấn), giảm 13% về giá trị và giảm 14% về khối lượng so với tháng 5/2024 và giảm 12% về giá trị và giảm 41% về khối lượng so với tháng 6/2023.
Đứng thứ 3 là thị trường Tây Ba Nha, đạt 236,25 triệu USD (tương đương 64,3 nghìn tấn), tăng 82,4% về giá trị và tăng 19,6% về khối lượng so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 19,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam sang thị trường EU, cao hơn mức 12,3% của cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tháng 6, xuất khẩu đạt 18,22 triệu USD (tương đương 3,56 nghìn tấn), giảm 13% về giá trị và giảm 14% về khối lượng so với tháng 5/2024 và giảm mạnh 56% khối lượng và 15,81% về giá trị so với tháng 6/2023.
Trái lại, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng xuất khẩu cà phê sang một số thị trường giảm so với cùng kỳ 2023 như: xuất sang Hungari giảm 54,73% còn 1,7 triệu USD; sang Phần Lan giảm 65,55% còn 856 nghìn USD; sang Slovania giảm 16,54% còn 5.067 nghìn USD; sang Latvia giảm 69%, còn 774 nghìn USD...
Cơ cấu chủng loại mặt hàng cà phê xuất khẩu sang EU
Về chủng loại sản phẩm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chủ yếu vẫn là cà phê nhân. Mặc dù tỷ trọng cà phê chế biến sâu vẫn rất thấp, nhưng đã tăng so với các năm trước, khẳng định vị thế cà phê Việt Nam.
Thị hiếu, xu hướng tiêu thụ cà phê của EU
Châu âu là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, tiêu thụ khoảng 1/3 sản lượng cà phê thế giới. Chất lượng, tính bền vững và chứng nhận ngày càng trở nên quan trọng tại thị trường châu Âu. Sự phát triển này mang lại nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu cà phê đi vào thị trường châu Âu.
Năm 2022, tổng lượng cà phê tiêu thụ ở châu Âu là 55.000 bao, chiếm 31% lượng cà phê trên thế giới. Gần 95% cà phê nhập khẩu là cà phê xanh và hầu hết cà phê được vận chuyển từ bên ngoài châu Âu đều đến trực tiếp từ các nước sản xuất.
Các nhà bán lẻ cà phê ở châu Âu đang ngày càng chú trọng đến cách trình bày và phong cách pha chế sáng tạo. Hơn nữa, việc sử dụng cà phê trong các sản phẩm như bánh, kẹo, bột dinh dưỡng... cũng góp phần tạo ra sự phát triển mới tại thị trường cà phê ở châu Âu. Thương mại xanh trong ngành cà phê đang ngày càng được ủng hộ bởi người tiêu dùng EU.
Phân khúc rang xay tại chỗ (thay vì sử dụng cà phê đóng gói hoặc được pha sẵn) thưởng thức hương vị cà phê riêng biệt theo sở thích cũng được một nhóm người tiêu dùng ưa thích lựa chọn.
Nhu cầu về các dòng cà phê đặc biệt cũng có xu hướng tăng ở phân khúc khách hàng cao cấp, ưa chuộng các dòng cà phê chất lượng cao và có nguồn gốc xuất xứ độc nhất từ một trang trại cụ thể có thương hiệu hoặc đáp ứng được các tiêu chỉ bền vững. Tuy nhiên, về cơ bản phần đông người tiêu dùng EU vẫn cần cà phê với các hoạt động giải trí gặp gỡ bạn bè hay công việc tại các quân cà phê. Các kênh phân phối trên thị trường cà phê EU là những công ty có thị phần và thương hiệu lớn như Caffe Nero, Coffee Beanery, Coffee Republic, Costa Coffee, Dunkin Donuts, Keurig Green Mountain,Kraft Heinz, Mauro Demetrio, McCafe,Nestle, Segafredo, Starbucks, Strauss Group và Tim Hortons.
Trong khi người Việt Nam ưa chuộng cà phê đậm, đắng của Robusta khi pha bằng phin và thêm sữa đặc thì người EU lại thích cà phê Arabica với vị nhạt hơn và chua. Nhu cầu tìm kiếm cà phê ngon và chất lượng cao là chung ở khắp khu vực này. Chính vì vậy, việc phát triển các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng như cà phê hữu cơ, cà phê chất lượng cao, cà phê hương vị đặc biệt, và cà phê có nguồn gốc địa lý đặc trưng sẽ giúp doanh nghiệp không ngừng mở rộng cơ hội xuất khẩu đối với thị trường tiềm năng như EU.
Các nhà nhập khẩu châu Âu mua nhiều cà phê loại bình dân nhưng cà phê cao cấp cũng đang là phân khúc phát triển. Châu Âu có nhu cầu tiêu thụ cà phê đặc sản cao nhất trên toàn cầu, với 46% thị phần toàn cầu. Những người uống cà phê đặc sản quan tâm đến câu chuyện đằng sau ly cà phê và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho cà phê chất lượng cao. Số lượng quán cà phê, nhà rang xay nhỏ và các thương hiệu địa phương đang ngày càng tăng, xu hướng mua cà phê xanh trực tiếp từ nhà sản xuất và kể câu chuyện của họ cho người tiêu dùng. Tập trung vào các quốc gia này có thể giúp các nhà sản xuất cà phê tìm được thị trường cho cà phê được chứng nhận của mình.
Đức là nước nhập khẩu cà phê xanh lớn nhất châu Âu. 94% hàng nhập khẩu của Đức đến từ các nước sản xuất. Đức cũng có ngành rang xay lớn thứ hai châu Âu. Các nhà rang xay cà phê của Đức rang hạt cà phê cho thị trường nội địa và xuất khẩu trong Châu Âu, điều này khiến quốc gia này trở thành điểm thâm nhập quan trọng cho thị trường địa phương và phần còn lại của Châu Âu.
Nhu cầu cà phê của người châu Âu có thể thay đổi trong tương lai và họ có thể sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua cà phê. Vì vậy, giá trị của thị trường cà phê sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhiều cửa hàng cà phê hơn có thể mở ra và nhu cầu về cà phê cao cấp và đặc sản cũng có thể sẽ tiếp tục tăng.
Những yếu tố tác động tới nhập khẩu cà phê của EU
Giá cà phê tăng cao do ảnh hưởng của hạn hán đối với vụ thu hoạch các phê và cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đang diễn ra đã ảnh hưởng đến việc giao cà phê đến châu Âu.
Các quy định về phá rừng mới được EU áp dụng gần đây có thể khiến hàng nghìn tấn cà phê xuất khẩu sang EU có thể sớm bị từ chối, do được sản xuất trên đất rừng mới bị chặt phá gần đây.
Mặc dù các quy định về phá rừng của EU được cho là có mục đích tốt, nhằm bảo vệ chất lượng rừng và giảm thiểu tác động của việc phá rừng lên các cộng đồng địa phương, nhưng một số lãnh đạo ngành lo ngại rằng các quy định này có thể chưa hoàn thiện và gần như không thể thực hiện được trong một số trường hợp.Theo các quy định mới, các nhà sản xuất cà phê trên toàn thế giới sẽ phải sử dụng tọa độ vệ tinh để lập bản đồ kỹ thuật số về quy mô trang trại của họ và đánh dấu rõ ràng ranh giới trồng cà phê để kiểm tra xem khu đất nào gần đây có bị chặt phá rừng hay không. Tuy nhiên, đối với người nông dân ở các quốc gia sản xuất cà phê trọng điểm và đang phát triển, chẳng hạn như Brazil, Indonesia và Colombia, điều này gần như là không thể thực hiện được do thiếu kinh phí và chuyên môn kỹ thuật cần thiết để lập bản đồ vệ tinh.
Các quy định mới của EU cũng có thể tạo ra thêm gánh nặng pháp lý cho các nhà nhập khẩu cà phê trong khối, những người hiện sẽ phải tiến hành các biện pháp kiểm tra rộng rãi đối với các đối tác xuất khẩu của họ, chẳng hạn như kiểm toán độc lập và đánh giá rủi ro.
Yếu tố trên có thể làm tăng chi phí và mất thời gian, đồng nghĩa với việc nhiều nhà rang xay cà phê của EU có thể cân nhắc rời khỏi khối và đặt cơ sở ở những nơi khác, chẳng hạn như Trung Quốc hoặc Mỹ. Động thái đó càng làm hạn chế nguồn cung cà phê vào EU.
Đầu năm 2024, Liên đoàn Cà phê Châu Âu (ECF), đại diện cho các nhà nhập khẩu cà phê xanh lớn, bao gồm Lavazza, illy, JDE Peet’s, Nestlé và Starbucks đã thúc giục Ủy ban Châu Âu hoãn việc thực hiện Quy định về phá rừng của EU để bảo vệ sinh kế của những người nông dân sản xuất nhỏ, đặc biệt là ở Châu Phi và Châu Á, những người phụ thuộc vào việc tiếp cận thị trường EU.
Đáp lại những lo ngại của ngành cà phê, vào tháng 3/2024, EU đã thông báo sẽ hoãn việc phân loại các quốc gia có nguy cơ phá rừng theo lịch trình vào tháng 12 là 'thấp', 'trung bình' hoặc 'rủi ro cao'. Hiện tại, họ có ý định phân loại tất cả các quốc gia là 'rủi ro trung bình' để các doanh nghiệp có thêm thời gian thích ứng và tránh gây bất lợi cho một số quốc gia sản xuất.
Dự báo thị trường cà phê EU
Theo Bloomberg, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dự kiến sẽ đẩy giá cà phê tiếp tục tăng đến giữa năm 2025. Người dùng ở châu Âu phải chi nhiều tiền hơn cho một ly cà phê bởi các quy định liên quan nhập khẩu cà phê ngày càng khắt khe.
Nhu cầu thu mua cà phê robusta trên thế giới, đặc biệt là tại Liên minh châu Âu đang tăng vọt. Nhiều hãng rang xay tại châu Âu đang tăng tốc nhập hàng nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực kể từ đầu tháng 1/2025. Như vậy nhìn tổng thể, đà tăng của cà phê vẫn rất sáng sủa. Đây là điều kiện thuận lợi cho nông dân Việt Nam kỳ vọng có vụ mùa được giá những tháng tới.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng 7 – 9/2024 sẽ giảm dần, do nguồn cung dần hết. Nguồn cung cà phê của Việt Nam mới sẽ tăng trở lại sang tháng 10, tháng 11, khi vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu.
Tuy nhiên, dự báo từ các tổ chức trong và ngoài nước đều cho thấy, sản lượng cà phê vụ 2024/2025 của Việt Nam sẽ giảm 15-20% so với vụ vừa qua do yếu tố thời tiết không thuận lợi và tình trạng sâu bệnh khiến diện tích bị thu hẹp dần. Sản lượng thấp sẽ kéo theo hoạt động xuất khẩu đi xuống, đồng thời làm thiếu hụt nguồn cung trầm trọng hơn trên thị trường.
Giá cà phê dự báo sẽ tăng trở lại, chủ yếu đến từ việc giới đầu tư gia tăng lo ngại đối với triển vọng nguồn cung từ Việt Nam. Hiện các quỹ đầu cơ đã gia tăng vị thế mua ròng với dự báo nguồn cung robusta từ Việt Nam sẽ còn tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới.
Thông tin từ nhà giao dịch Volcafe, sản lượng cà phê Robusta niên vụ 2024/2025 của Việt Nam ước đạt 24 triệu bao, mức thấp nhất trong vòng 13 năm, do thời tiết không thuận lợi.
Còn theo báo cáo của Cơ quan thường trú nước ngoài Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post), sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024-2025 dự báo vào khoảng 29 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm nhẹ so với ước tính 29,1 triệu bao của niên vụ 2023-2024. Trong đó, sản lượng cà phê robusta đạt 27,85 triệu bao, thấp hơn so với mức 28 triệu bao của niên vụ trước. Trong khi sản lượng arabica sẽ tăng nhẹ lên 1,15 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 được dự báo vào khoảng 26,85 triệu bao (GBE), giảm khoảng 5% so với niên vụ trước. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống 26,5 triệu bao trong niên vụ tới. Nguyên nhân là tồn kho cà phê của Việt Nam giảm mạnh từ mức 3,6 triệu bao của niên vụ 2022-2023 xuống chỉ còn 892 nghìn bao trong niên vụ 2023-2024 và chỉ còn 492 nghìn bao vào niên vụ 2024-2025. Các báo cáo gần đây từ USDA cũng đưa ra bức tranh trái chiều về sản lượng cà phê của các nước. Theo đó, sản lượng dự kiến tăng ở Brazil và phục hồi ở Indonesia, Colombia, Peru, Mexico, Nicaragua. Ngược lại, triển vọng có vẻ tiêu cực đối với Guatemala, Costa Rica và đặc biệt là Honduras.
 

Nguồn:VITIC

Tags: cà phê