Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực hơn 3 năm (từ 14/1/2019-PV). Nhìn lại quá trình thực thi thời gian qua, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP tăng mạnh, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ.
Có 4 quốc gia châu Mỹ tham gia CPTPP là Canada, Mexico, Peru, Chile. Trong đó, 3 quốc gia lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA là Canada, Mexico, Peru; riêng Chile Việt Nam đã có FTA song phương.
Nhờ CPTPP, xuất khẩu sang Canada năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020 và tăng 75% so với thời điểm trước khi CPTPP có hiệu lực. Tương tự, đối với thị trường Mexico, năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này đạt 4,6 tỷ USD, tăng trưởng trên 100% so với thời điểm trước khi CPTPP có hiệu lực.
Xét về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường thành viên CPTPP, dẫn đầu là điện thoại và linh kiện chiếm 20%; tiếp theo là máy vi tính, thiết bị, sản phẩm điện tử chiếm 16%; máy móc, thiết bị phụ tùng 9%; hàng dệt may chiếm 10% và da giày chiếm 7%.
“Với dệt may, da giày, nhờ CPTPP, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã có lợi thế về thuế quan từ 10-20% so với các đối thủ cạnh tranh. Các doanh nghiệp nên tận dụng triệt để các lợi thế ưu đãi thuế quan này”, bà Hồng Anh nói.
Mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang CPTPP khác được lãnh đạo Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ đề cập tới là thủy sản. Đối với thủy sản, hầu hết các thành viên CPTPP đều cam kết giảm thuế quan về mức 0% trong vòng 0-3 năm.
Hiện, độ phủ sóng hàng thủy sản Việt Nam tại các thị trường đang ngày tăng cao rõ rệt. Điển hình như, tại thị trường Canada, Việt Nam là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu, chiếm 34% tổng trị giá nhập khẩu tôm của Canada. Với Mexico, Việt Nam đang tăng trưởng nóng xuất khẩu cá tra. Mexico là quốc gia nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều nhất trong các nước thành viên CPTPP.
Ngoài ra, nhờ ưu đãi thuế quan, hiện tại Việt Nam đã trở thành 1 trong 5 nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất tại thị trường Canada. Tuy nhiên với Mexico và Chile, thị phần của đồ gỗ Việt Nam còn tương đối nhỏ mới chỉ khoảng trên dưới 1% nên dư địa phát triển mặt hàng này còn lớn.
Bà Hồng Anh thông tin thêm, Việt Nam cũng đang có thế mạnh trong xuất khẩu các mặt hàng túi xách, va li, ô dù và các hàng nông sản như chè, hạt điều, cà phê, hạt tiêu… sang thị trường các nước CTPPP nói chung và khu vực châu Mỹ nói riêng.
Phân tích sâu hơn về riêng thị trường châu Mỹ, bà Võ Hồng Anh đánh giá, xét về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Mỹ, nhóm hàng điện thoại, linh kiện, máy vi tính, máy móc phụ tùng chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 43%; tiếp đó là dệt may, da giày chiếm khoảng 25%; gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm khoảng 8%; nông, thủy sản chiếm khoảng 4%.
Như vậy, tỷ trọng mặt hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiểm tỷ trọng xuất khẩu lớn so với mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, thực tế là sự đóng góp của khu vực FDI trong trị giá xuất khẩu tương đối lớn. Trong khi đó, đóng góp của công nghiệp nội địa Việt Nam vẫn chưa cao.
Ngoài ra, với mỗi sản phẩm hàng hóa, Việt Nam mới chỉ dừng ở gia công, lắp ráp cho nước ngoài, giá trị gia tăng chưa cao. Đối với nông sản, thủy sản, Việt Nam cũng chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô đông lạnh, hàm lượng chế biến, giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu thấp.
Trong khi đó, khu vực châu Mỹ, đặc biệt là các quốc gia thuộc Bắc Mỹ như Hoa Kỳ, Canada đều đòi hỏi yêu cầu tương đối khắt khe về chất lượng hàng hóa, coi trọng các vấn đề trong trong quy trình sản xuất như trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường, tiêu chuẩn lao động…
“Thời gian tới, bên cạnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp phải xem xét, chú trọng gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình qua cải tiến chất lượng sản phẩm, phù hợp tiêu chí, thị hiếu và các yêu cầu của thị trường; đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ trong quy trình sản xuất; hướng tới các sản phẩm xanh, phát triển bền vững...”, bà Hồng Anh nhấn mạnh.
Nguồn:Haiquanonline