Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần 21-27/8, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 4.800 - 4.900 đ/kg, lúa dài khoảng 5.100 – 5.200 đ/kg.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.400 – 6.500 đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.100 – 6.200 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng7.100 – 7.200 đ/kg, gạo 15% tấm 6.850 – 6.950 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.750 – 6.850 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.
Tính đến ngày 27/8, theo số liệu của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & PTNT, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Hè Thu năm 2015 được khoảng 1,668 triệu ha/ 1,6 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch Hè Thu khoảng 1,020 triệu ha với năng suất khoảng 5,5-5,6 tấn/ha, sản lượng khoảng 5,66 triệu tấn lúa.
Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Thu Đông 2015 được khoảng 640.000 ha/ 830.000 ha diện tích kế hoạch.
Kết quả xuất khẩu gạo từ ngày 01/7 đến ngày 20/8 đạt 191.304 tấn, trị giá FOB 80,872 triệu USD, trị giá CIF 83,283 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu từ ngày 01/1 đến ngày 20/8/2015 đạt 3,492 triệu tấn, trị giá FOB 1,448 tỷ USD, trị giá CIF 1,493 tỷ USD.
Trong tuần qua, các vụ nổ bom tại trung tâm mua sắm và khu du lịch tại Thái Lan khiến ít nhất 21 người chết, hàng trăm người bị thương, tin tức chấn động thế giới. Thị trường uể oải và giá giảm do USD tăng, làm cho phần lớn đồng tiền châu Á yếu so với đồng USD.
Hầu hết hoạt động thương mại dường như tập trung vào vụ cũ hoặc gạo pha trộn. Trong khi đó, theo đánh giá của các doanh nghiệp, giá gạo Việt Nam, Pakistan rẻ hơn và thậm chí là lựa chọn mới đến từ Ấn Độ sẽ gây áp lực lên Thái Lan, do giá vụ mới của Thái Lan cao hơn. Đây sẽ là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gạo Việt Nam sang Thái Lan.
Tại thị trường Philippines, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines quý I/2015 giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch. Cụ thể giảm 41% về lượng và giảm 45,69% về kim ngạch (đạt 245.970 tấn, tương đương 103,52 triệu USD.
Nguyên nhân do giá mua quá thấp, chủ doanh nghiệp không muốn bán nên lượng gạo tồn kho đang rất lớn. Đồng thời hợp đồng ký mới đầu năm cũng hạn chế do thiếu nhu cầu, nhất là thiếu hợp đồng tập trung.
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, hiện tượng El Nino ở Philippines có thể sẽ kéo dài đến năm 2016 khiến tình trạng khô hạn liên tiếp diễn ra, sản lượng lúa gạo giảm.
Khi sản lượng lúa gạo giảm bắt buộc Philippines phải lên kế hoạch tăng sản lượng lúa gạo nội địa trong năm 2016 đồng thời tăng nhập khẩu gạo trong năm 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa.
Tác động do El Nino gây khô hạn ở Philippines cùng với dự báo sản lượng giảm sẽ là tin tốt đối với Việt Nam, một trong những nhà xuất khẩu lớn đến Philippines; cải thiện tình hình xuất khẩu giảm trong suốt những tháng đầu năm 2015.
Mặc dù hiện tượng El Nino diễn ra ở các nước Philippines, Thái Lan là “cơ hội” lớn cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sang hai thị trường này song cũng có những khó khăn mà Việt Nam phải ứng phó.
Theo truyền thông Thái Lan, các nỗ lực dẫn nước từ sông Mekong và sông Salween nhằm giảm thiểu tác động của hạn hán gần đây và giải quyết các nhu cầu quản lý nước tốt hơn để hỗ trợ nông dân Thái Lan. Kế hoạch dẫn nước lấp đầy các đập ở Thái Lan sẽ khiến các hoạt động ở thượng nguồn sẽ để lại tác động về sản xuất lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nước mặn xâm nhập diễn ra tại đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề quan trọng, gây giảm diện tích gieo trồng và giảm cung cấp nước thêm nữa từ việc biến đổi dòng chảy dự báo gây xâm mặn hơn.
Kiều Linh