Vì vậy để tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường này, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo trực tuyến chủ đề "Cách thức mở rộng thị trường và nắm bắt cơ hội kinh doanh với khách hàng châu Âu" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Source of Asia (SOA) tổ chức, chiều 5/5.
Bà Trần Thị Trang, Trưởng phòng Huấn luyện ITPC thông tin, châu Âu hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, ngược lại Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á của châu Âu.
Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng hoạt động thương mại song phương Việt Nam - châu Âu vẫn được duy trì, đặc biệt kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng đã tăng đáng kể và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ông Zachaier, Giám đốc Bộ phận chuỗi cung ứng SOA cho biết châu Âu là thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng mà hầu hết các quốc gia xuất khẩu đều hướng đến. Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng của châu Âu và có lợi thế hơn các quốc gia khác nhờ thiết lập quan hệ thương mại tự do thông qua EVFTA.
Tính đến cuối năm 2020, chỉ 4 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã có tín hiệu tích cực hơn, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang châu Âu đạt 42 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này mới chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, chứng tỏ dư địa thị trường dành cho các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Theo phân tích của ông Zachaier, xu hướng tiêu dùng của người châu Âu đang thay đổi và thay đổi nhanh hơn kể từ khi xảy ra dịch COVID-19; trong đó, người mua hàng ngày càng quan tâm đến sự bền vững, bao gồm truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm xã hội, yếu tố bảo vệ môi trường. Khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm được sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh và đảm bảo lợi ích cho người lao động.
Trong bối cảnh đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần đánh giá tính bền vững của sản phẩm, doanh nghiệp; nắm vững thị trường xuất khẩu, các quy tắc nhập khẩu và khuyến nghị. Đồng thời có chiến lược điều chỉnh chuỗi cung ứng để phù hợp với các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế cũng như đầu tư vào sự cải tiến liên tục.
Ông Huỳnh Thanh Trung, Giám đốc Công ty LeanWares cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế và phát huy tốt năng lực sản xuất, tuy nhiên đó chỉ là những công đoạn có giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, mức độ đầu tư cho các công đoạn có giá trị gia tăng cao như thiết kế, nghiên cứu phát triển và marketing còn rất hạn chế.
Theo ông Huỳnh Thanh Trung, với những thị trường cao cấp như châu Âu, không chỉ đòi hỏi chất lượng sản phẩm mà còn yêu cầu cao cả về mẫu mã, thông tin sản phẩm trên bao bì và các giá trị gia tăng…
Do đó, doanh nghiệp hướng tới những thị trường này cần chú trọng xây dựng nhà máy hợp chuẩn ngay từ đầu và có quy trình kiểm soát chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, sản xuất, vận chuyển, phân phối một cách hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng năng lượng trong việc xây dựng các nhà máy đạt chuẩn của châu Âu, ông Đỗ Văn Huy, Quản lý dự án Shire Oak International tại Việt Nam cho biết, người mua hàng châu Âu đặc biệt quan tâm tới vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu và những sản phẩm được sản xuất trong nhà máy sử dụng năng lượng sạch có ưu thế cạnh tranh.
"Sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí điện năng mà còn thể hiện tầm nhìn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với vấn đề phát triển bền vững. Đây không chỉ là điểm cộng mà dần trở thành xu thế bắt buộc với những doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài.", ông Đỗ Văn Huy nhấn mạnh.
Nêu dẫn chứng về các doanh nghiệp Việt Nam thành công trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Trưởng bộ phận phát triển thị trường quốc tế SOA thông tin: Điểm chung của các doanh nghiệp xuất khẩu được sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài như Vinamilk, Viettel hay Kova đều là tập trung chất lượng sản phẩm ngay từ khi phát triển thị trường trong nước. Khi đã có chỗ đứng nhất định mới xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường nước ngoài với mục tiêu hợp lý; đầu tư nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường cụ thể và lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Nguồn:Xuân Anh/TTXVN