menu search
Đóng menu
Đóng

“Ưu tiên hàng đầu cho kết nối kinh tế thông suốt giữa các quốc gia“

09:50 16/05/2017

Theo Đặc phái viên TTXVN, ngày 15/5, Hội nghị bàn tròn các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế về “Vành đai và Con đường” đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và phát biểu tại 2 phiên thảo luận của Hội nghị bàn tròn.

TTXVN trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phiên thảo luận “Hợp tác kết nối vì sự phát triển trong liên kết”.
Thưa Ngài Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Chủ tọa Diễn đàn.
Thưa Quý vị.
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế phát triển chung của thế giới trong những thập kỷ qua, đã đem lại tăng trưởng kinh tế vượt bậc cho nhiều quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ tiến bộ khoa học-công nghệ, giúp hàng trăm triệu người thoát cảnh đói nghèo.
Để duy trì đà phát triển này, cần tiếp tục thúc đẩy kết nối nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các nền kinh tế và tạo cơ hội mới cho thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng thế giới đang đứng trước cơ hội mới cho việc phát triển thị trường toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá về Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, làn sóng dịch chuyển đầu tư, các hiệp định thương mại tự do, các hành lang kinh tế, tuyến giao thông liên quốc gia… đã tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy hơn nữa kết nối khu vực, liên khu vực và liên châu lục.
Kết cấu hạ tầng giao thông nhiều nơi trên thế giới vẫn trong tình trạng kém phát triển, đây là “nút thắt” cản trở tăng trưởng, sức cạnh tranh và là trở ngại đối với nỗ lực xoá đói, giảm nghèo.
Từ thực tế đó, tôi chia sẻ quan điểm cần đặt ưu tiên hàng đầu cho kết nối kinh tế thông suốt, hiệu quả giữa các quốc gia, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng giao thông liên lục địa, hình thành mạng lưới giao thông kết nối các quốc gia châu Á với nhau và giữa châu Á với châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.
Tuy nhiên, các hành lang giao thông chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được bổ trợ bởi các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và đi lại của người dân.
Cùng với việc thực thi đầy đủ các thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, việc tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phương tiện và người dân qua các cửa khẩu biên giới cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Sự phát triển hạ tầng giao thông liên lục địa đòi hỏi tầm nhìn dài hạn về quy hoạch, tạo cơ sở hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, gắn kết hơn nữa giữa các chiến lược phát triển quốc gia với các mục tiêu phát triển chung, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia và thúc đẩy phát triển hạ tầng bền vững.
Một tầm nhìn như vậy bao hàm sự kết hợp giữa định hướng của nhà nước với nhu cầu của thị trường, giữa quyết tâm chính trị với lợi ích kinh tế.
Bước khởi đầu là rà soát hiện trạng kết nối kinh tế giữa các quốc gia và khả năng gắn kết các chương trình, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông hiện có ở tầm quốc gia, tiểu vùng, và khu vực.
Các định chế quốc tế có thể đóng góp tốt vào việc nghiên cứu, đánh giá tổng thể thực trạng kết nối giữa các khu vực trên thế giới, từ đó xác định những “điểm trọng yếu” tập trung nguồn vốn đầu tư.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng để các quốc gia, các tổ chức tài chính quốc tế xây dựng kế hoạch đầu tư và tìm kiếm nguồn lực.
Thưa Quý vị,
Tháng Ba vừa qua, Việt Nam đã cùng các tổ chức của Liên hợp quốc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao khu vực Á-Âu về hợp tác tạo thuận lợi trung chuyển, thương mại và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Kết quả Hội nghị đã khẳng định tầm quan trọng của kết nối khu vực đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trung chuyển chất lượng, hiệu quả, an toàn, đáng tin cậy là điều kiện quan trọng để các quốc gia không có biển và trung chuyển tham gia ngày càng sâu và hưởng lợi từ hệ thống thương mại toàn cầu.
Việt Nam chủ trương nỗ lực thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối giao thông với các quốc gia láng giềng. Nhiều bước đi, giải pháp cụ thể đã được triển khai, trong đó có việc hợp tác cùng các nước Tiểu vùng Mekong phát triển Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam, Hành lang kinh tế Bắc-Nam, hướng tới xây dựng Tiểu vùng Mekong trở thành cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia thực hiện Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN; hợp tác với Trung Quốc nghiên cứu khả năng kết nối “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.
Tôi mong rằng cuộc thảo luận hôm nay sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong đó có sự hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến để cùng nhau xây dựng một thị trường toàn cầu kết nối thông suốt, vì lợi ích của các bên, vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn.

Nguồn: Vietnamplus.vn