Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được ký kết mở ra nhiều cơ hội cho xuất nhập khẩu hàng hóa của 2 nước với lộ trình giảm thuế về 0%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi của Việt Nam phải cạnh tranh rất khốc liệt ngay trên sân nhà.
Đón nhận thông tin Hiệp định thương mại tự do Việt nam – EU, EVFTA, vừa được ký kết, ông Phạm văn Đôn, chủ trại chăn nuôi ở Quang Trung, Thống Nhất, Đồng Nai cảm thấy lo lắng.
Theo ông Đôn, trước đây thịt nhập khẩu từ EU phải chịu mức thuế nhập khẩu 20 – 40%, người chăn nuôi trong nước đã phải gồng mình cạnh tranh bởi, mặc dù thuế cao, song các sản phẩm thịt heo, thịt gà, bò từ EU vẫn có giá thấp hơn thịt nội.
“Khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu những sản phẩm này về 0% thì người chăn nuôi sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn”, ông Đôn chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Hoàng Kim Giao, chủ tịch hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn, chăn nuôi là một trong những ngành chịu tác động lớn từ hiệp định thương mại EVFTA.
Khi chúng ta ký kết như vậy thì cũng có những sản phẩm rất khó để cạnh tranh, như sản phẩm thịt, sữa do giá thành sản phẩm của họ thấp. Do đó, ngành chăn nuôi trong nước sẽ bước vào cuộc cạnh tranh rất khốc liệt.
Ghi nhận tại các siêu thị cho thấy, hiện các loại thịt nhập khẩu được bán với giá khá rẻ. Cụ thể, như mặt hàng thịt bò, bắp bò nhập từ Pháp, Argentina có giá chỉ từ 140.000 đồng/kg – 160,000đ/kg, trong khi đó, giá thịt bò nội dao động từ 180.000 – 230.000đ/kg.
Tương tự, giá thịt heo nhập khẩu, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Pháp… chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá heo hơi trong nước đang ở mức bình quân 35.000 – 40.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, Việt Nam đang nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ nhiều nước trong khu vực Liên minh châu âu như Pháp, Argentina, ba Lan, Hà Lan, Đức…
Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi ra trên 1 tỉ USD để nhập thịt gà, heo, trâu, bò, phụ phẩm và nội tạng động vật…
Riêng thịt heo, cả nước đã chi 23,58 triệu USD để nhập khẩu, tăng gần bảy lần so với cùng kỳ 2018.
Ngoài thịt heo, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu nhiều thịt gà, trâu bò, phụ phẩm chăn nuôi…, trong đó nhiều nhất là phụ phẩm sau giết mổ với tổng giá trị xấp xỉ 450 triệu USD. Tiếp đến là trâu bò (trên 228 triệu USD), thịt gia cầm (trên 82 triệu USD)…
Trong đó, có một số thị trường tăng trưởng vượt bậc như Ba Lan, Hà Lan và Tây Ban Nha. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2019, lượng nhập khẩu thịt từ Ba Lan đạt 10,8 nghìn tấn, trị giá 11,1 triệu USD, tăng 77% về lượng và tăng 76,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Hà Lan đã vươn lên là thị trường đứng thứ 2 về cung cấp thịt lợn cho Việt Nam, với lượng nhập khẩu đạt 6,6 nghìn tấn, trị giá đạt 5,4 triệu USD; tiếp theo là thị trường Tây Ban Nha với lượng nhập khẩu đạt 3,7 nghìn tấn, trị giá đạt 3,8 triệu USD.
Có thể thấy, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, nguồn thịt lớn từ các nước EU sẽ đổ về Việt Nam nhiều hơn.
Người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội sử dụng các sản phẩm thịt ngoại với giá cả phải chăng. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức lớn cho ngành chăn nuôi trong nước.
Thịt nội kém cạnh tranh: Vì sao?
Theo ông Giao, hiện nay giá thành sản phẩm chăn nuôi ở Việt Nam ở mức khá cao.
Nguyên nhân là do quy mô đàn phân tán, nhỏ lẻ. Do chúng ta chăn nuôi nhỏe lẻ nên việc quản lý dịch bệnh rất khó khăn, thứ 2 là con giống có chất lượng kém và công nghệ chăn nuôi còn hạn chế, giá thành chăn nuôi Việt Nam rất khó để cạnh tranh với thịt nhập ngoại.
Và khi thuế nhập khẩu và các rào cản thương mại giảm xuống, thịt ngoại tràn vào nhiều hơn, ngành chăn nuôi trong nước càng khó khăn hơn.
Đồng quan điểm, ông Tăng Xuân Lưu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, để sản xuất ra 1kg thịt bò trong điều kiện chưa thâm canh, chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay thì chi phí đắt hơn nhiều so với nước ngoài.
“Cùng loại, cùng chất lượng thì thịt nội bao giờ cũng đắt hơn thịt ngoại 10-12%”, ông Lưu cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết thêm, hiện nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi hiện đang tăng giá khoảng 15%.
Trong khi đó, chi phí sản xuất ở các nước âu mỹ giá cả thấp hơn nhiều so với Vn, do đó sắp tới ngành chăn nuôi trong nước sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt do nhập hàng đông lạnh từ nước ngoài vào.
Chưa kể đến năng suất đàn bò của chúng ta còn thấp, chỉ bằng ½ so với thế giới. Cụ thể, ở Mỹ năng suất sữa đạt 15.000 lít/ chu kỳ vắt (305 ngày), hay như Hàn Quốc là trên 10,000l, nhưng chúng ta mới chỉ được trên 5.000l.
Tương tự, 1 con bò thịt của chúng ta cũng chỉ cho sản lượng bằng ½ so với trên thế giới.
Do đó, ông Giao cho biết, để cạnh tranh được chúng ta phải cải tiến chất lượng con giống, đầu tư khoa học công nghệ để giảm chi phí, giảm giá thành. Có như vậy thì thịt nội mới có thể chiếm lĩnh được thị phần.
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư