Ngay sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Bộ Công Thương cho biết, nếu mọi chuyện thuận lợi, Quốc hội phê chuẩn vào tháng 5, các thủ tục pháp lí hai bên làm rất nhanh chóng và hiệp định EVFTA có thể đi vào hiệu lực vào tháng 7.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, EVFTA sẽ là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, tăng thị phần tại thị trường châu Âu và là điều kiện để Việt nam nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dù vậy, không phải ngành nghề nào cũng được hưởng lợi.
Báo cáo "EVFTA - Động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam" vừa phát hành chiều 13/2, các nhà phân tích đến từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect đã chỉ ra ba lĩnh vực kinh doanh hưởng lợi lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu và ba lĩnh vực có thể khó khăn nhất sau khi EVFTA có hiệu lực.
Nguồn: CTCK VNDirect
Thủy sản, dệt may, điện tử sẽ hưởng lợi lớn nhất
Với sản phẩm thuỷ sản, ngoại trừ sản phẩm cá ngừ, sau khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ ngay lập tức xóa bỏ khoảng 50% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam khi thỏa thuận có hiệu lực; 50% số dòng thuế còn lại được xóa trong vòng 3-7 năm.
Theo VNDirect, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị xuất khẩu trong năm 2018 đạt 1,44 tỉ USD. Khoảng 90% số dòng thuế đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ giảm xuống 0% trong vòng 3-4 năm từ mức thuế xuất khẩu trung bình hiện nay là 14%.
Đối với hàng dệt may, 42,5% số dòng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xóa (chủ yếu là thuế đối với nguyên liệu dệt) ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại (chủ yếu là thuế đối với sản phẩm dệt may cuối cùng) sẽ giảm dần xuống 0% trong vòng 3-7 năm từ mức khởi điểm 12%.
Với việc EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may Việt Nam, với giá trị xuất khẩu năm 2018 đạt 4,1 tỉ USD (tương đương 13,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may), việc giảm thuế từ mức hiện tại, các sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang EU phải chịu mức thuế 7-17% (trung bình 9,6%) theo GSP.
VNDirect cho rằng các nhà xuất khẩu nguyên liệu dệt (vải, sợi, len…) sang EU (hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU) sẽ hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm dệt may hoàn thiện sang EU, Công ty chứng khoán này cho rằng lợi ích từ EVFTA sẽ tăng mạnh cùng với đà giảm của thuế quan từ năm thứ hai trở đi.
Mặc dù được dự báo sẽ được hưởng lợi nếu hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngành dệt may của Việt Nam cũng được khuyến cáo sẽ phải có những thay đổi để có thể thỏa mãn điều kiện về xuất xứ, qua đó có thể tận dụng các ưu đãi về thuế quan mà hiệp định EVFTA mang lại.
Đồng thời, ngành dệt may cũng đang đối mặt với những vấn đề đang khá nhức nhối đó là cạnh tranh nguồn nhân lực ngày càng gia tăng. Làn sóng dịch chuyển nhà máy vào Việt Nam để né thuế đang đẩy chi phí nhân công ngày càng đắt đỏ hơn, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bên cạnh dệt may, lĩnh vực điện thoại, máy tính và các sản phẩm điện tử cũng được hưởng lợi lớn khi 74% số dòng thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại sẽ được xóa bỏ trong vòng 3-5 năm.
Đây là nhóm sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang EU, với tổng giá trị trong năm 2018 đạt hơn 18,1 tỷ USD, chiếm 43,3% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
"Việc giảm thuế sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm điện tử xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy xu hướng di chuyển các nhà máy sản xuất từ nơi khác sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về thuế quan theo một số hiệp định FTA, bao gồm EVFTA", các nhà phân tích VNDirect dự báo.
Dược phẩm, sữa và chăn nuôi sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn hơn
Theo VNDirect, khoảng một nửa xuất khẩu dược phẩm của EU sẽ được miễn thuế ngay lập tức và phần còn lại được miễn thuế sau 7 năm. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với dược phẩm từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất dược phẩm trong nước.
Ngoài ra, lĩnh vực chế biến sữa cũng chịu nhiều áp lực cạnh tranh bởi các nước châu Âu vốn nổi tiếng về các sản phẩm sữa. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất sữa trong nước.
Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, EVFTA cũng sẽ mở ra cơ hội cho các công ty sữa Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với công nghệ sản xuất và nguyên liệu sữa từ Châu Âu vốn được đánh giá cao về chất lượng và an toàn thực phẩm, từ đó góp phần cải thiện chất lượng các sản phẩm sữa trong nước.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, dòng sản phẩm thịt heo đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm, các sản phẩm hàng ngày sau 5 năm, thực phẩm chế biến sau 7 năm và thuế suất đối với thịt gà sẽ giảm dần về 0% trong 10 năm.
Hiện tại, các sản phẩm chăn nuôi của EU xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế từ 10-40%. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm chăn nuôi từ EU sẽ thúc đẩy sự thâm nhập của các sản phẩm này vào Việt Nam và làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Nguồn:Hoàng Trung/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng