Đánh giá ban đầu cho thấy các nhà bán lẻ nội địa đang chiếm ưu thế với 151/205 siêu thị, chiếm tỷ trọng gần 75%, đồng thời nắm giữ 26/46 trung tâm thương mại (chiếm 56,5%).
Chuỗi các thương hiệu cửa hàng tiện lợi trong nước cũng phát triển rất nhanh với 1.581/2.360 cửa hàng do người Việt làm chủ (chiếm 67%). “Dự báo, hệ thống bán lẻ nội địa sẽ còn tiếp tục mở rộng trong thời gian tới”, Giám đốc Sở Công thương TP HCM Phạm Thành Kiên nhận định.
Sự phát triển của các nhà bán lẻ nội địa liệu có góp phần giải tỏa được mối e ngại lâu nay về việc hàng nội thường xuyên bị “lép vế” trước hàng ngoại (hoặc hàng hóa được sản xuất bởi các doanh nghiệp FDI) trong cuộc đua vào các chuỗi phân phối hiện đại - nơi đang có nhiều ông bà chủ đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp...?
Trong một nhận xét hồi năm 2018, ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á và Châu Úc về số hóa bán lẻ (Unilever Việt Nam) từng nhận định dù các siêu thị đóng góp lớn vào doanh số bán lẻ nhưng các cửa hàng tiện lợi nhỏ có mô hình tương tự đang ngày càng có tiếng nói mạnh hơn nhờ tăng trưởng nhanh - như xu thế của bán lẻ toàn cầu hiện nay.
Ngoài ra, các nhà bán lẻ Việt được nhận định là có lợi thế lớn về tiếp cận và xây dựng các điểm kinh doanh “đắc địa”; hiểu biết luật pháp cũng như văn hóa tiêu dùng và phong tục tập quán địa phương tốt hơn. Đây cũng là đặc điểm chung ở rất nhiều thị trường bán lẻ trên thế giới.
Và cùng với việc "nhập khẩu” các mô hình quản trị tiên tiến và phát triển bán lẻ theo hướng đa kênh dưới cùng một thương hiệu “mẹ” (siêu thị - đại siêu thị - chuỗi của hàng nhỏ - cửa hàng tiện lợi…), nhiều nhà bán lẻ Việt đang lớn mạnh khi liên tục cải tiến mô hình kinh doanh và giữ được tốc độ tăng trưởng tốt (VinCommerce, Saigon Co.op…). “Các nhà bán lẻ nội địa sẽ còn thống lĩnh thị trường Việt Nam trong một thời gian rất dài nữa”, ông Sơn dự báo.
Thật vậy, một số tên tuổi lớn của ngành bán lẻ như Group Casino (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức), hay gần đây nhất là chuỗi cửa hàng Shop&Go (Singapore) đã đến và đã “ra đi” sau hàng chục năm kinh doanh, để thay thế bằng các nhà bán lẻ nội địa hoặc nhà bán lẻ “láng giềng” thông thạo thị trường Việt Nam hơn (Thái Lan).
Nguồn: Báo Chính Phủ