menu search
Đóng menu
Đóng

EU hỗ trợ 108 triệu Euro giúp 60.000 hộ dân nghèo Việt Nam có điện vào năm 2020

10:04 01/03/2018

Vinanet - Sáng ngày 27/02/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Ngài Stefano Manservisi, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hợp tác và Phát triển quốc tế, Liên minh châu Âu đồng chủ trì Lễ Khởi động Hợp phần Hỗ trợ kỹ thuật Nâng cao năng lực quản lý, xây dựng khung pháp lý và chính sách ngành năng lượng thuộc “Chương trình hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo”, sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Liên minh châu Âu tài trợ.

Phát biểu tại Lễ Khởi động, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh và bền vững, là yếu tố vô cùng quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế xã hội ở tốc độ cao. Trong thời gian tới, để tăng trưởng 1% GDP, ngành năng lượng cần phải đạt tỷ lệ tăng trưởng từ 1,7% - 2% /năm. Với nhu cầu năng lượng cao như vậy, Việt Nam cần phải đầu tư khoảng 5-7 tỷ USD hàng năm cho ngành năng lượng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ Việt Nam cũng cam kết phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cung cấp điện cho cả nước, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, nơi có 2% các hộ gia đình nông thôn vẫn chưa được tiếp cận điện. Chương trình Mục tiêu về Cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 có nhu cầu đầu tư lớn (khoảng 1,2 tỷ EUR), trong đó, cân đối ngân sách trung ương trung hạn 2016-2020 mới đạt khoảng 8% nhu cầu vốn đầu tư, phần lớn nguồn vốn thực hiện Chương trình được huy động từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chiếm khoảng 92% nhu cầu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảm ơn và hoan nghênh sự trợ giúp của Liên minh Châu Âu thông qua Chương trình Định hướng Hỗ trợ Đa biên cho Việt Nam cho giai đoạn 2014 – 2020 (Chương trình MIP) về phát triển năng lượng bền vững, đặc biệt là Hiệp định Tài chính Chương trình Hỗ trợ chính sách phát triển Năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn đã được ký kết ngày 01 tháng 12 năm 2017.

Theo đó, Chương trình sẽ thực hiện đầu tư 23 tiểu dự án cấp điện nông thôn, miền núi từ lưới điện quốc gia tại 23 tỉnh; 02 tiểu dự án cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Cao Bằng và đảo Bạch Long Vỹ; 02 tiểu dự án cáp ngầm xuyên biển cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần, Quảng Ninh và đảo Nhơn Châu, Bình Định. Dự kiến khi kết thúc Chương trình khoảng 750 thôn, bản sẽ được cấp điện, với khoảng 60.000 hộ dân có điện; cấp điện cho 01 huyện đảo và 02 xã đảo.

Chương trình cũng thực hiện hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để nâng cao năng lực quản lý, xây dựng khung pháp lý và chính sách ngành năng lượng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hợp tác và Phát triển quốc tế, Liên minh châu Âu Stefano Manservisi đồng chủ trì Họp báo công bố thông tin về Chương trình

Đây là một hợp phần hỗ trợ kỹ thuật cho công tác triển khai Chương trình Hỗ trợ Chính sách Ngành Năng lượng trị giá 108 triệu Euro của Liên minh Châu Âu. Hợp phần Hỗ trợ Kỹ thuật Ngành Năng lượng EU – Việt Nam, do Liên Minh Châu Âu và Bộ Phát triển và Hợp tác Kinh tế CHLB Đức (BMZ) đồng tài trợ trong khuôn khổ Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng - Giai đoạn II, sẽ được Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) triển khai dưới sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hợp tác Quốc tế và Phát triển thuộc Ủy ban Châu Âu Stefano Manservisi cho biết: "Chương trình trị giá 108 triệu Euro này của chúng tôi sẽ không chỉ giúp Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra trong Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 nhằm cung cấp nguồn điện đáng tin cậy và bền vững cho 1.200.000 hộ dân vùng nông thôn mà còn giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nhằm tạo điều kiện cho sự chuyển đổi hướng tới phát triển một ngành năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam. Là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức năng lượng đáng kể để duy trì phát triển kinh tế xã hội. Trong khi các hỗ trợ của EU không thể trực tiếp khắc phục những thách thức này, EU cùng với các đối tác phát triển khác có thể có ảnh hưởng lên các chính sách và giải pháp nhằm góp phần đem đến một ngành năng lượng sạch hơn và bền vững hơn”.

Khoản hỗ trợ viện trợ không hoàn lại dự kiến trị giá 346 triệu Euro của EU cho ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn 2014 – 2020 tính đến nay là gói tài trợ lớn nhất được EU cung cấp cho hoạt động hỗ trợ năng lượng bền vững trên thế giới. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Liên minh Châu Âu trong hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy năng lượng tái tạo. Tại Việt Nam, EU cam kết sẽ đóng góp hơn nữa cho một ngành năng lượng bền vững hơn thông qua khuyến khích hiệu quả năng lượng, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Tại Lễ Khởi động, đại diện Lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Tuyên Quang - 02 trong số những địa phương được nhận hỗ trợ từ Chương trình đã cam kết sử dụng các khoản vốn một cách công khai, minh bạch và có hiệu quả.

Nguồn: Hồng Hạnh/Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương