Vinanet - Ngày 8/12/2018, Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn hiệp định đối tác kinh tế với Liên minh châu Âu, nhằm thiết lập một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Theo thống nhất, hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi hoàn thành quá trình phê chuẩn, nghĩa là sẽ có hiệu lực vào ngày 1/2/2019.
Hiện nay, sự chấp thuận của Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu là những rào cản duy nhất còn lại đối với hiệp định này và dự kiến châu Âu cũng hoàn thành sự phê chuẩn trong tháng 12/2018.
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng hiệp định đối tác kinh tế với EU sẽ thúc đẩy tiến trình đàm phán hiệp định thương mại về hàng hóa với Mỹ. Các cuộc đàm phán này sẽ bắt đầu vào đầu năm 2019. Theo hiệp định, Nhật Bản và EU sẽ xóa bỏ lần lượt khoảng 94% và 99% thuế quan, trong các lĩnh vực như nông sản, lâm nghiệp và thủy sản, cũng như khai mỏ và hàng hóa chế biến. Hiệp định sẽ bao trùm 27,8% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới trong năm 2017 và 36,9% thương mại toàn cầu.
EU cam kết sẽ cắt giảm thuế suất 10% đối với ô tô khách của Nhật Bản xuống 0 trong 8 năm. Hơn 90% thuế phụ tùng ô tô sẽ được xóa bỏ ngay lập tức khi hiệp định có hiệu lực, cùng với hầu hết các loại thuế đối với nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Nhật Bản. Việc cắt giảm thuế này sẽ giúp các công ty và nông dân Nhật Bản mở rộng thị phần EU nhờ mua giá thấp hơn.
Tokyo sẽ loại bỏ thuế quan đối với rượu vang châu Âu, cho phép người tiêu dùng Nhật Bản mua rượu vang phổ biến với mức giá thấp hơn. Các loại phô mai mềm của Châu Âu là đối tượng chịu mức thuế trần nhập khẩu sẽ được loại bỏ hoàn toàn sau 16 năm. Hiệp định sẽ chấm dứt thuế quan của Nhật Bản với khoảng 80% hàng hóa nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản châu Âu.
Để giải quyết những lo ngại mà người nông dân Nhật Bản sẽ dành thị phần cho các đối thủ châu Âu, chính phủ của Thủ tướng Abe dự kiến sẽ đưa trợ cấp nông nghiệp vào ngân sách bổ sung thứ hai cho năm tài khoán 2018.
Hiệp định cũng đặt ra các quy tắc về mua sắm trực tuyến và các hình thức thương mại điện tử khác. Cùng với việc hỗ trợ giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và các hợp đồng được thiết lập thông qua các phương tiện kỹ thuật số, hiệp định cũng cấm thuế quan đối với chuyển dữ liệu giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và châu Âu.
Trong khi đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018. Đối với 10 thành viên của hiệp định này (ngoại trừ Nhật Bản), cắt giảm thuế quan sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, nghĩa là Nhật Bản sẽ được hưởng sự giảm thuế đối với hàng hóa sớm hơn. Tokyo ước tính CPTPP và hiệp định đối tác kinh tế với EU sẽ làm tăng GDP thực tế của Nhật Bản khoảng 13 nghìn tỷ yên (tương đương 115 tỷ USD) và có thêm khoảng 750.000 việc làm. Các khu vực thương mại tự do mở rộng dự kiến sẽ mang lại cho Tokyo vị thế thương lượng quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới với chính quyền của Tổng thống Donald Trump- người có đường lối cứng rắn về thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ.
Với việc Mỹ không tham gia TPP-11 hay CPTPP hoặc hiệp định đối tác kinh tế EU-Nhật Bản, người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ sẽ phải đối mặt với sức mạnh cạnh tranh đang suy giảm tại thị trường Nhật Bản. Nếu Washington gây áp lực để sớm đạt được thỏa thuận về thương mại hàng hóa, Tokyo hy vọng tư cách thành viên của mình trong các hiệp định thương mại tự do lớn hơn sẽ giúp thuyết phục Mỹ dễ dàng hơn rằng Nhật Bản sẽ không cắt giảm thuế quan nông nghiệp vượt quá mức quy định trong các hiệp định đó.
Nhật Bản cũng đang đàm phán với Australia, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á về Hiệp định RCEP, với mục tiêu đạt được hiệp định vào năm 2019.
Nguồn: Baocongthuong.com