menu search
Đóng menu
Đóng

Nhiều dư địa cho xuất khẩu cá tra sang khối các nước CPTPP

09:22 07/09/2022

Mặc dù xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường có xu hướng tăng trưởng chậm lại, nhưng nhóm thị trường các nước CPTPP vẫn có sức hút lớn và có nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, khối thị trường CPTPP tiêu thụ hơn 13% tổng XK cá tra của Việt Nam với trị giá 211,4 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021. Đối với cá tra, nhóm thị trường các nước CPTPP vẫn có sức hút lớn và có nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt.
Đáng chú ý, trong tháng 7/2022, tình hình XK cá tra giảm thấp nhất kể từ đầu năm, nhưng XK cá tra sang các nước thuộc CPTPP vẫn giữ được mức tăng trưởng 3 con số, đạt 123%, đạt trên 31 triệu USD.
Trong đó, trừ New Zealand không tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam, các thị trường còn lại đều tăng mạnh nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Trong đó, XK cá tra sang Canada tăng đột phá nhất, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ đứng sau Mexico (chiếm 4,5% với gần 73 triệu USD), XK cá tra sang Canada chiếm tỷ trọng 2,5% với trên 40 triệu USD trong 7 tháng đầu năm nay.
Ngoài ra, XK cá tra sang các thị trường Australia, Singapore, Malaysia và Chile đều tăng trưởng 3 con số trong tháng 7, với tỷ lệ tăng từ 108 – 166% so với cùng kỳ. Trong tháng 7, Nhật Bản cũng tăng 66% NK cá tra từ Việt Nam. Những thị trường trên đều chiếm từ 1,3 – 1,5% tổng kim ngạch XK cá tra Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.
Nhìn chung trong các thị trường thuộc khối CPTPP, cá tra XK sang Canada vẫn có giá trung bình cao nhất. Giá trung bình cá tra phile đông lạnh XK sang Canada trong tháng 7 đạt 3,34 USD/kg, giảm nhẹ so với mức trung bình 3,66 USD/kg trong tháng 6.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, từ vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2021, năm nay Mexico đã vươn lên vị trí thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Trong 7 tháng năm 2022, XK cá tra sang thị trường này tăng trưởng 73% đạt 73,5 triệu USD, chiếm 4,5% XK cá tra của Việt Nam.
Phân tích số liệu cho thấy, sau khi tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, từ tháng 7/2022, XK cá tra sang một số thị trường chủ lực như Mỹ bắt đầu chững lại vì lượng tồn kho đang tăng lên, tiêu thụ cũng chậm lại, giá cá cũng có dấu hiệu giảm.
Tuy nhiên, XK cá tra sang Mexico vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao trong tháng 7, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ đạt trên 11 triệu USD. Trong 7 tháng năm nay, sản phẩm cá tra phile đông lạnh XK sang Mexico chiếm 94% giá trị với 69 triệu USD, sản phẩm cá tra cắt khúc chiếm 6% đạt 4,4 triệu USD.
Dù Mexico đứng đầu khối về nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng giá trung bình XK sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 2,8 USD/kg. Australia cũng là thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam với giá trung bình nhập khẩu tương đối cao, đạt 3,26 USD/kg trong 6 tháng đầu năm và 3,3 USD/kg trong tháng 7/2022. Trong khi giá trung bình XK sang một số thị trường có xu hướng chững lại trong tháng 7 thì giá XK cá tra sang Singapore lại tăng lên 3,05 USD/kg, sau khi đạt trung bình 2,39 USD/kg trong 6 tháng đầu năm.
Đánh giá về lợi thế của mặt hàng cá tra XK, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, thế mạnh của ngành cá tra Việt Nam là có quy trình sản xuất, chế biến đã đạt được trình độ cạnh tranh với nhiều loại cá trắng khác, đảm bảo nguồn cung ổn định, giá bán rất tốt. Hiện Việt Nam đã có 44 vùng nuôi đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC).
Việt Nam cũng có thuận lợi là quốc gia chiếm lợi thế tuyệt đối trong việc xuất khẩu cá tra, sản lượng cá tra Việt Nam khoảng 1,5 triệu tấn, chiếm 25% tổng sản lượng cá tra toàn cầu và hầu như không có đối thủ trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Người tiêu dùng, nhà nhập khẩu rất quan tâm tới quy trình nuôi trồng, chế biến. Các doanh nghiệp ngành cá tra đã nỗ lực để đạt được các chứng nhận toàn cầu, mở rộng thị trường hiệu quả.
Theo phân tích của các chuyên gia VASEP, trong khi XK thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sang nhiều thị trường gặp bất ổn vì biến động tiền tệ và cước vận tải quá cao, thì CPTPP lại ít bị tác động bởi những thách thức trên. Thuế nhập khẩu 0% theo hiệp định CPTPP và sự lựa chọn của người tiêu dùng chuyển sang loài cá có giá vừa phải như cá tra, là những yếu tố giúp XK cá tra sang các nước CPTPP giữ được tăng trưởng đầy lạc quan từ đầu năm đến nay và vẫn có thể giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm 2022.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc