Phiên tư vấn trong khuôn khổ Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2021 diễn ra chiều ngày 16/7/2021 đã nhận được rất nhiều gợi ý, đề xuất của các chuyên gia là đại diện các tổ chức hỗ trợ nhập khẩu, nhà nhập khẩu nước ngoài, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, về các giải pháp giúp doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương có hướng xuất khẩu nhãn hiệu quả.
Đây là sự kiện do Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) phối hợp với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, Thương vụ Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu nhãn quan trọng của Việt Nam thực hiện thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021, nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn nhãn của Việt Nam cách thức thâm nhập, phát triển các thị trường xuất khẩu.
Trước phiên tư vấn, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức các phòng giao dịch trực tuyến giữa các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã nhãn Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài trong hai ngày 15 và 16/7/2021.
Gần 200 cuộc giao thương được diễn ra giữa gần 30 doanh nghiệp Việt Nam từ các tỉnh, thành phố như An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Tháp, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Sơn La, Tiền Giang…với gần 70 nhà nhập khẩu nước ngoài đến từ CHLB Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ, Indonesia, Malaysia, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…
Tại các phiên giao thương, các doanh nghiệp, nhà vườn nhãn Việt Nam, đã giới thiệu, quảng bá tới khách nước ngoài đa dạng sản phẩm nhãn chất lượng cao của Việt Nam như nhãn tươi, long nhãn sấy khô, phấn hoa nhãn, mật ong hoa nhãn, nhãn ngâm đường, siro, nước nhãn... từ nhiều vùng nhãn lớn của Việt Nam.
Một số nhà nhập khẩu lớn tại Hoa Kỳ, Hà Lan, Pháp, thương nhân Trung Quốc, chuỗi siêu thị tại Singapore… đã bày tỏ quan tâm sâu tới các sản phẩm nhãn của Việt Nam và đề đạt mong muốn nhập khẩu số lượng đáng kể các lô hàng nhãn tươi, sản phẩm nhãn chế biến của Việt Nam.
Những năm qua, ngoài việc tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước, các sản phẩm từ trái nhãn Việt Nam đã được nhiều thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận như Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Châu Âu, Trung Đông...
Đến nay, trái nhãn Việt Nam đã đáp ứng chuẩn các quy định của nước nhập khẩu như: truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình đáp ứng yêu cầu chất lượng, xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật đáp ứng điều kiện nhập khẩu hoa quả tươi của nước nhập khẩu.
Trước khi xuất khẩu, nhãn được xử lý theo các biện pháp phù hợp đảm bảo không có côn trùng. Điều này đồng nghĩa với việc trái nhãn tươi xuất khẩu của Việt Nam đã được công nhận có chất lượng cao, khẳng định được thương hiệu “trái cây Việt” và hoàn toàn có thể tự tin lưu thông ở nhiều thị trường khó tính khác.
Hiện, Cục Xúc tiến thương mại đang hỗ trợ một số doanh nghiệp xuất khẩu nhãn Việt Nam thực hiện các biện pháp truy xuất nguồn gốc, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thời gian qua Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều chương trình giao thương trực tuyến cho các loại nông sản của Việt Nam vào vụ thu hoạch.
Điển hình vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức thành công hàng loạt chương trình kết nối giao thương cho quả vải của Hải Dương và Bắc Giang. Thông qua các chương trình này, quả vải của Việt Nam đã cập bến đa dạng các thị trường trên thế giới như Anh, Australia, Đức, Hà Lan, Malaysia, Nhật Bản, Pháp, Séc, Singapore, Trung Quốc…
Nguồn:Song Hà/VnEconomy