menu search
Đóng menu
Đóng

Tăng cường giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa

08:40 08/02/2017

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, thị trường nội địa tháng 1/2017 diễn biến khá sôi động, ổn định.

Đây là một tín hiệu tốt đầu năm, cần tăng cường giải pháp giữ ổn định và thúc đẩy tăng trưởng.

Tổng cục Thống kê ghi nhận, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2017 đạt 330.297 tỷ đồng, tăng 5,65% so với tháng 12/2016, tăng 9,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng 76,51% (tăng 10,88% so với cùng kỳ năm trước); dịch vụ lưu trú ăn uống chiếm 11,3%, (tăng 3,14%); dịch vụ du lịch chiếm 1,01% (tăng 30,67%); các dịch vụ khác chiếm 11,18%, tăng 9,29%. Nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng về chất lượng, mẫu mã, các mặt hàng trọng yếu như sắt thép, xi măng, phân bón, lương thực thực phẩm... dồi dào, hàng Việt Nam tiếp tục được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 01/2017 tăng nhẹ 0,46% so với tháng 12/2016, tăng 5,22% so với cùng 2016. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong tháng 1/2017 các doanh nghiệp đã thu mua, tạm trữ hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và Tết Nguyên đán, cùng với nhu cầu mua sắm dịp Tết tăng cũng đã gây sức ép lên mặt bằng giá một số hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm tra lưu thông, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, kê khai giá và niêm yết giá của các doanh nghiệp, các siêu thị, các chợ và trung tâm thương mại… được các cơ quan chức năng tăng cường nên đã hạn chế hiện tượng tăng giá đột biến trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Để giữ ổn định giá cả thị trường sau Tết Nguyên đán và tiếp theo, Cục Quản lý giá cho rằng, cần nâng cao hiệu quả phối hợp điều hành vĩ mô thị trường giữa các bộ, ngành liên quan; theo dõi sát sao diễn biến thị trường thế giới, dự báo cung - cầu trong nước để có biện pháp bình ổn kịp thời. Các bộ, ngành và địa phương cần trình Chính phủ lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa và dịch vụ đảm bảo không tăng giá đồng loạt nhiều hàng hóa, dịch vụ vào cùng thời điểm, tránh gây tác động đột biến tới chỉ số giá tiêu dùng cả nước cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội. Điều hành cẩn trọng, hợp lý giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và hiệu quả kiểm soát lạm phát. Thắt chặt công tác thông tin, không để đưa tin thất thiệt gây xáo trộn thị trường.

Để thúc đẩy tăng trưởng thị trường nội địa, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, gia súc, gia cầm, ngăn chặn nhập lậu các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm soát chất lượng, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, hàng giả... Hỗ trợ tổ chức các hội chợ quy mô lớn, có chất lượng và hiệu quả tại các địa phương, kết nối các nhà phân phối lớn với nông dân để thúc đẩy tiêu dùng nông sản trong nước, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản thu hoạch rộ trong thời gian ngắn.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường nội địa. Đồng thời, hỗ trợ hợp lý các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hệ thống đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố, hỗ trợ các địa phương xây dựng các chợ dân sinh. Đẩy mạnh thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tiếp tục thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất vì các khu vực này còn nhiều dư địa phát triển.

Ngoài ra, cần rà soát và quy định rõ tỷ lệ, mức góp vốn, loại hình đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp (mua cổ phần), nhượng quyền thương mại trong bán lẻ… đối với nhà đầu tư nước ngoài; kiểm tra và xử lý nghiêm (nếu vi phạm) nhà phân phối nước ngoài trong việc thực thi Thông tư 34/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương; bổ sung quy định quản lý chặt chẽ doanh nghiệp FDI thành lập nhiều pháp nhân kinh doanh dưới cùng một thương hiệu để lách kiểm tra nhu cầu kinh tế ENT

Nguồn: Báo Công Thương điện tử