Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, nền nông nghiệp của tỉnh tuy giàu tiềm năng nhưng mới chỉ bước những bước đi ban đầu, chưa thể tham gia sâu vào những khâu có giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị nông sản.
Ngày 12-12-2018, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và tạp chí Nhà quản lý tổ chức Diễn đàn kinh tế xanh 2018 với chủ đề Hậu Giang xây dựng chuỗi nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logistics.
Diễn đàn có sự tham gia của các lãnh đạo trung ương và tỉnh cùng 400 đại biểu là các doanh nhân, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà kinh tế trong và ngoài nước.
“Nông nghiệp chưa được khai thác hết tiềm năng”
Nằm ở châu thổ sông Mekong, Hậu Giang có những lợi thế chiến lược trong phát triển nông nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập quốc tế và xây dựng nền tảng logistics liên kết vùng phục vụ phát triển nông nghiệp. Đặc biệt tận dụng lợi thế giao thông đường thủy vốn chưa được khai thác đúng với tiềm năng.
Có tới 87% diện tích đất sản xuất nông nghiệp với nhiều loại nông thủy sản có được danh tiếng tốt như khóm cầu đúc, cá thát lát cườm, lúa gạo... Tiềm năng về nông nghiệp, địa lý, giao thông... vô cùng to lớn nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên đến nay Hậu Giang vẫn đứng vị trí khá thấp ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nền nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang tuy giàu tiềm năng nhưng mới chỉ bước những bước đi ban đầu, chưa thể tham gia sâu vào những khâu có giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị nông sản.
“Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra từng ngày từng giờ, làm thay đổi tư duy và phương thức sản xuất trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi nhận thức rằng mặc dù nền nông nghiệp của tỉnh nhà còn ở mức tiềm năng, chưa được khai thác đúng kỳ vọng nhưng ở khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu chúng ta quyết tâm đi những bước thật nhanh, chính xác và đúng hướng để đón đầu xu thế của thế giới, xu thế phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản dựa trên nền tảng logictics” - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhận định.
Sản lượng cao, chất lượng cũng phải cao
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp giúp Hậu Giang phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường nằm trong những nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Nói về những điều kiện để nông sản Việt Nam đi vào thị trường Trung Quốc (TQ) bằng đường chính ngạch, ông Tôn Nham, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc (TQ) - ASEAN, có lời khuyên: “Việt Nam nên thống nhất về nhãn hiệu, marketing, như Thái Lan họ có cả một hệ thống nhãn hiệu mà người TQ có thể tìm hiểu, nhận biết rất dễ dàng.
Tuy nhiên, quan trọng hơn hết chính là chất lượng sản phẩm. Tính cạnh cạnh ở thị trường TQ hiện nay rất cao, người tiêu dùng TQ quan tâm nhất chính là sức khỏe, tức là chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng TQ khi mua sản phẩm sẽ suy nghĩ đến sức khỏe đầu tiên, giá cao không sao nhưng sản phẩm phải chất lượng....”.
Bên cạnh đó, theo ông Tôn Nham, yếu tố sáng tạo (trong sản phẩm, bao bì thu hút người tiêu dùng) và sự quản lý của Nhà nước cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng để đưa nông sản Việt Nam vào TQ bằng con đường chính ngạch.
“Riêng Hậu Giang, địa phương nên chú ý phát triển nông nghiệp logistics, vận chuyển, xây dựng nông nghiệp kỹ thuật số. Sau hội thảo này, tôi mong các đơn vị cùng với Hậu Giang có nghiên cứu về logistics để xuất khẩu sản phẩm qua TQ, không chỉ là bằng đường tiểu ngạch mà còn phải là chính ngạch” - ông Tôn Nham đề nghị.
Còn theo ông Martijn Van De Groep, tư vấn kế hoạch phát triển ĐBSCL, Giám đốc Tổ chức Water: Dựa vào các dự báo chuỗi cung ứng của thế giới thì các dự án tập trung vào cấp độ là cụm, thị trường và người nông dân. “Ở cấp độ cụm, mỗi khu vực cần xác định sản phẩm sản xuất gì trong tương lai, phù hợp với địa phương. Như Hậu Giang nên tập trung vào trái cây và nuôi trồng thủy sản. Ở cấp độ thị trường thì Hậu Giang có hệ thống giao thông, vì thế địa phương nên tận dụng lợi thế này, tuy nhiên cũng cần xem xét hệ thống thông tin quan trắc.
Riêng ở cấp độ nông dân thì nông dân là chìa khóa mấu chốt ở khu vực. Giúp họ tăng sản lượng, giảm thiệt hại, cải thiện chất lượng sản phẩm, phải chuyển đổi từ chỗ sản lượng cao chất lượng thấp sang sản lượng cao chất lượng cao. Đồng thời cần có biện pháp hỗ trợ người nông dân tiếp cận thị trường tốt hơn, giáo dục, xây dựng cho họ thông tin đúng đắn về sản xuất và thu hoạch” - ông Martijn tư vấn.
Cho lời khuyên về hợp tác, ông Martijn cho rằng: Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng nên lựa chọn đối tác một cách thông minh, đối tác hợp lý cho vấn đề mà chúng ta muốn giải quyết. Như muốn giải quyết vấn đề hạn hán thì Úc là đối tác tốt nhất...
Cuối diễn đàn, đại diện UBND tỉnh Hậu Giang đã ký kết hợp tác ghi nhớ với 11 đơn vị trong và ngoài nước.
Nguồn: PLTPHCM