menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường thời trang nhanh- Thách thức mới cho doanh nghiệp Việt

08:59 16/11/2017

Dòng người xếp hàng dài chờ H&M khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội

Vinanet -Những năm gần đây, các thương hiệu thời trang bình dân quốc tế xuất hiện nhiều tại thị trường Việt Nam. Trái với sự háo hức của người tiêu dùng là nỗi lo cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Sau thành công vang dội tại TP. Hồ Chí Minh, Zara - thương hiệu thời trang nổi tiếng của Tây Ban Nha - tiếp tục "đổ bộ" ra miền Bắc. Bên cạnh Format, Zara, H&M, Mango đã có mặt, một số thương hiệu thời trang bình dân đình đám như Uniqlo, Forever 21 cũng đang tiến hành nghiên cứu thị trường, chuẩn bị "đổ bộ" vào Việt Nam.
Theo kết quả nghiên cứu thị trường của Công ty Savills Việt Nam, tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 20 - 30 khá cao; người tiêu dùng vẫn "sính" hàng ngoại; tốc độ tăng trưởng của ngành thời trang đạt khoảng 20%/năm… đã khiến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ, hút các thương hiệu thời trang quốc tế. Bà Phạm Minh Hương - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho biết: Cùng với sự cải thiện nhanh chóng về mức sống, nhu cầu tiêu dùng đã có sự chuyển hóa nhanh chóng. Thay vì "ăn chắc mặc bền", người tiêu dùng chuyển sang sử dụng những mặt hàng mang tính thời trang cao, thời gian sử dụng ngắn.
Không chỉ các thương hiệu quốc tế, doanh nghiệp trong nước cũng nắm bắt được xu hướng này, chú trọng hơn khâu thiết kế và đưa ra nhiều sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Hiện, một số thương hiệu thời trang nội đã có chỗ đứng trên thị trường như: Ivy Moda, Eva de Eva, Hera DG… Thế nhưng, cho dù đang đứng trên sân nhà, thương hiệu thời trang trong nước dường như vẫn yếu thế hơn so với các thương hiệu thời trang quốc tế. Sự hạn chế về nguồn cung nguyên phụ liệu khiến các hãng thời trang trong nước khó so được về độ nhanh trong thiết kế. Việc sử dụng phương thức kinh doanh truyền thống như giảm giá theo đợt từ 20 - 70%... không tạo được cảm giác mới mẻ cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, các hãng thời trang nhanh thay đổi mẫu mã, sản phẩm liên tục, trung bình 1 tháng đã có sản phẩm mới được ra mắt. Số lượng sản phẩm luôn hạn chế để tránh rủi ro hàng tồn kho và tạo cảm giác hàng "độc", kích thích người tiêu dùng. Đặc biệt, với giá tương đương, cộng hưởng mác hàng ngoại, sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài vẫn dễ dàng chiếm ưu thế trên thị trường. Cùng đó, xu hướng mua hàng online ngày một phổ biến cũng tạo áp lực cho các nhà sản xuất trong nước bởi hình thức này đòi hỏi chuỗi cung ứng hậu cần chu đáo, nhanh chóng. Khâu kiểm hàng, đóng gói tại nhà máy phức tạp hơn, sản phẩm có chất lượng và độ chính xác rất cao. Nếu không bảo đảm được các yếu tố trên, chi phí đổi trả hàng là rất lớn.
Theo ông Giordano Solustri - Chuyên gia thiết kế của Italia - mỗi thương hiệu thời trang đều có chiến lược riêng, dựa trên kết quả khảo sát mức tiêu thụ, thu nhập của người tiêu dùng ở từng phân khúc và định giá sản phẩm. Do đó, để có thể cạnh tranh sòng phẳng, các hãng thời trang trong nước cần nghiên cứu, đánh giá thị trường nghiêm túc, đầu tư thỏa đáng cho khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, để tạo sự khác biệt, cần xây dựng câu chuyện cụ thể cho mỗi dòng sản phẩm khác nhau; áp dụng phương thức kinh doanh hiện đại; đa dạng nguồn cung phụ liệu nhằm đáp ứng tính nhanh và đa dạng của dòng thời trang nhanh.
Sự góp mặt của các thương hiệu thời trang bình dân lớn của thế giới tại thị trường Việt Nam đã tạo sức ép cạnh tranh lớn nhưng cũng là động lực cho doanh nghiệp trong nước thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh và giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn.
Nguồn: Việt Nga/Báo công thương điện tử