menu search
Đóng menu
Đóng

“Thước đo” sức nóng ngành dệt may

00:50 24/11/2017

Vinanet - Mặc dù TPP đã có bước chuyển động mới với sự hình thành CPTTP và theo đó, dệt may Việt Nam vẫn đang đứng trước "ngã ba" của cơ hội mở rộng thị trường hơn nữa hoặc thách thức có thể phát triển, cạnh tranh trong một nội khối hẹp... dệt may vẫn là ngành hàng được các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt quan tâm.

Triển lãm quốc tế lần thứ 17 về ngành công nghiệp dệt may và nguyên phụ liệu (VTG 2017) đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp ngoại cho thấy điều đó.

VTG 2017 diễn ra trong bối cảnh Hiệp định mới mang tên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được 11 nước thông qua trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Tp. Đà Nẵng. Dù Mỹ đã rút lui khỏi Hiệp định này, tuy nhiên, một số ngành, trong đó có dệt may, vẫn được hưởng lợi và có cơ hội tăng xuất khẩu sang 11 nước thành viên trong khi vẫn duy trì xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Hội tụ công nghệ mới
Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng tốt. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2017, tổng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng dệt may Việt Nam đạt 21,43 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, kỳ vọng con số này sẽ đạt 30,5 tỷ USD trong năm 2017.
VTG 2017 thu hút 450 gian hàng của 400 đơn vị từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Úc, Bangladesh, Hong Kong, Úc, Ấn Độ, Bahrain, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Uzbekistan, Singapore, New Zealand, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
VTG 2017 hội tụ nhiều tên tuổi lớn trong ngành như Typical, Nantex, Hikari, Schenk, Canlar, Ngai Shing, Stahls...trưng bày hàng loạt sản phẩm phục vụ ngành dệt may như máy may công nghiệp, máy in, máy thêu, máy nhuộm vải, máy ép và đính nhãn, sợi và vải dệt...
Đặc biệt, triển lãm năm nay thu hút nhiều doanh nghiệp dệt may Ấn Độ trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp dệt may Ấn Độ mong muốn đẩy mạnh hợp tác và trao đổi thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác trong việc đầu tư, xuất khẩu nguyên phụ liệu và hỗ trợ kỹ thuật để cùng nhau phát triển.
Trước đó, nhiều đoàn doanh nghiệp Ấn Độ trong ngành Dệt may đã đến tìm hiểu thị trường Việt Nam và được biết, các doanh nghiệp dệt may Ấn Độ còn được hỗ trợ gói tín dụng trong đầu tư dệt may tại thị trường trọng điểm "hướng Đông" của xứ sở sợi dệt truyền thống này.
Giải pháp mới cho nhiều doanh nghiệp
VTG 2017 thu hút sự tham gia của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, cung cấp nhiều thiết bị máy móc cần thiết nhất cho hầu hết các công đoạn sản xuất sản phẩm may mặc.
Sau gần 10 năm tham dự VTG, công ty Nantex - nhà phân phối độc quyền các sản phẩm máy in, thêu, ép chất lượng cao - giới thiệu loại máy in, thêu chính xác nhất thế giới với thương hiệu Schenk của tập đoàn Walz (Đức) và máy ép lâu đời nhất thế giới của tập đoàn Stahls (Mỹ). Ưu điểm của loại máy này là giúp doanh nghiệp duy trì chất lượng sản phẩm với độ ổn định lâu dài, đáp ứng nhu cầu cao của các thị trường lớn. Tổng Giám đốc Nantex, ông Nguyễn Phương Nam, ghi nhận VTG là một diễn đàn hiệu quả, không chỉ giúp Nantex trao đổi công nghệ trong ngành may với các doanh nghiệp khác mà còn nâng cao thương hiệu cho Nantex, giúp Nantex tìm kiếm được nhiều khách hàng mới, cung cấp thông tin sản phẩm cho khách hàng và tạo lòng tin với các đối tác.
Là một công ty chuyên cung cấp hệ thống giải pháp công nghệ và máy móc thiết bị hàng đầu trong ngành dệt may, da giày...công ty Maika mang đến VTG 2017 nhiều giải pháp kỹ thuật phần mềm từ thiết kế đến giác sơ đồ tự động, các thiết bị máy móc phần cứng như máy in cắt tốc độ cao, máy in sơ đồ tốc độ cao, máy cắt tự động, máy trải vải., máy phay lập trình...
Ông Nguyễn Mạnh - Giám đốc công ty Maika cho biết Maika luôn nghiên cứu và đưa vào sử dụng các giải pháp mới, các dịch vụ hoàn hảo nhất, mới nhất, sản phẩm trực quan nhất cho khách hàng với mục tiêu là mở ra một kỹ nguyên mới trong lĩnh vực thiết bị may mặc trong thời đại mới.
VTG 2017 theo giới chuyên môn là "thước đo" sức nóng của ngành dệt may và sự trở lại của tiềm năng ngành này khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) đã thay thế TTP và cánh cửa đàm phán thực thi Hiệp định vẫn đang còn rộng mở.
Nguồn : Lê Mỹ/enternews.vn