Hình thức này đang được các bộ ngành, DN phát triển nhằm thúc đẩy XK nông sản, đặc sản địa phương, đưa sản phẩm từ nhà sản xuất Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng nước ngoài.
“Phát súng” mở màn thành công
Cuối tháng 6/2021 vừa qua, hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn XK GlobalGAP đã được sàn thương mại điện tử voso.vn và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức), đáp ứng đầy đủ tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại và được giao tận tay bà con Kiều bào tại Đức, Cộng hòa Czech. Đây là lần đầu tiên nông sản Việt XK sang thị trường châu Âu theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng thương mại điện tử do Việt Nam phát triển và vận hành.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam đã XK rất nhiều trái cây, nông sản sang thị trường các quốc gia châu Âu, châu Á..., trong đó XK qua thương mại điện tử B2C (DN đến người tiêu dùng-PV) đều thông qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Amazon. “Do đó, sự kiện XK thành công vải thiều Bắc Giang theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới của voso.vn - nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam có thể coi là một bước tiến đáng ghi nhận đối với ngành thương mại điện tử nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao ra thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe”, ông Hải nhấn mạnh.
Xung quanh câu chuyện thúc đẩy XK nông sản thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, sau khi Bộ Công Thương phối hợp với Viettel Post XK hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang sang Đức trên nền tảng voso.vn, hiện Bộ đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để có thể XK thêm một số nông sản, đặc sản địa phương ra thị trường nước ngoài thông qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới, tức là từ nhà sản xuất Việt Nam tới tận tay người tiêu dùng nước ngoài. “Tôi hy vọng rằng tới đây, không chỉ là 3 tấn vải thiều mà sẽ là con số lớn hơn nhiều, không chỉ vải thiều Bắc Giang mà còn với nhiều loại trái cây nông sản, đặc sản của Việt Nam đến tay người tiêu dùng quốc tế”, người đứng đầu ngành Công Thương nói.
Cơ hội song hành thách thức
Từ góc độ DN, ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post chia sẻ: “Việc tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới được voso.vn lên kế hoạch từ lâu và giờ chính là thời điểm ra mắt thuận lợi nhất. Với thành công của sản phẩm mở đường là vải thiều Bắc Giang, trong thời gian tới voso.vn sẽ tiếp tục triển khai XK thêm nhiều mặt hàng khác ra thị trường thế giới, mục tiêu không chỉ là nông sản địa phương mà còn là các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như thủ công mỹ nghệ hay các sản phẩm nông, thủy sản khác”.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, thương mại điện tử xuyên biên giới có thể sẽ mở ra câu chuyện XK cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam vào thị trường lớn như EU, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là cơ hội không chỉ cho DN XK nói chung mà cho cả các DN nhỏ, DN địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm thách thức. Đó là những khó khăn trong vận chuyển hàng hoá, bảo quản hàng hoá, khâu thông quan hàng hoá, hiểu biết về thủ tục XNK... Đây chính là những vấn đề mà DN, các nhà bán hàng Việt Nam cần phải tìm hiểu, nắm bắt, thực hành thành thạo.
Đánh giá về vấn đề XK nông sản nói chung, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích, trong quá trình đàm phán hội nhập, Bộ Công Thương và các bộ, ngành luôn đặt mục tiêu đạt được phương án tốt nhất cho hàng hóa nông sản, trái cây của Việt Nam XK. Mặc dù Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để cắt giảm thuế quan, tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa tiếp cận các thị trường, tuy nhiên công tác đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nhiều thị trường giảm thuế về 0% nhưng nông sản vẫn chưa thâm nhập được.
Thời gian tới, người nông dân cũng như DN, hợp tác xã cần thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc; kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có sản phẩm nông sản XK chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước NK. “Người nông dân, hộ sản xuất, DN phân phối, XK cần chủ động hợp tác, liên kết nhằm tạo chuỗi cung ứng, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng bảo đảm chất lượng sản phẩm luôn ở mức tốt nhất, bảo đảm các tiêu chí mà các thị trường có nhu cầu NK đưa ra”, ông Nguyễn Hồng Diên nói.
Nguồn:haiquanonline.com.vn