menu search
Đóng menu
Đóng

Trao đổi thương mại Việt Nam – Tây Ban Nha: Triển vọng sáng nhờ EVFTA

17:58 17/08/2021

Với việc khai thác hiệu quả lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Tây Ban Nha được dự báo sẽ có triển vọng sáng từ cuối năm 2021, khi Tây Ban Nha hồi phục sau đại dịch Covid-19.
 
Thị trường tiềm năng
Theo Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, tình hình đại dịch Covid-19 đã và đang tác động trực tiếp đến quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Tây Ban Nha. Tuy nhiên, với việc hai Bên đang thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA và đang hướng tới phê chuẩn thực thi Hiệp định EVIPA, dự báo triển vọng quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư trong các quý cuối và cả năm 2021 sẽ sáng sủa hơn so với thời gian qua. Trong bối cảnh diễn biến của đại dịch Covid-19 hiện nay, có thể thấy tình hình kinh tế Tây Ban Nha chỉ có thể bắt đầu cải thiện đáng kể sau tháng 8/2021 khi dự tính có khoảng 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vắc xin đầy đủ. Khi đó kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường này năm 2021 dự kiến sẽ được hồi phục nhanh dần.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 1,1 tỷ USD. Trong số các nhóm hàng chủ yếu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha 6 tháng đầu năm nay, thì nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đứng đầu về kim ngạch, chiếm 27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này, đạt 300,23 triệu USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, là một quốc gia có nền kinh tế dịch vụ chiếm 75% GDP, công nghiệp 15%, xây dựng 7%, nông nghiệp và đánh bắt 3%. Tây Ban Nha nằm trong số ít các nước thành viên EU có nền nông nghiệp và đánh bắt chế biến thủy hải sản truyền thống và phát triển phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra thế giới. Với lĩnh vực du lịch đóng góp trên 12% GDP, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của Tây Ban Nha có phần đa dạng hơn so với các nước EU khác.
Dịch bệnh thời gian qua bùng phát theo đợt và còn phức tạp nên việc áp đặt, tăng cường và tháo dỡ hạn chế đi lại - tiếp xúc trực tiếp sẽ còn lặp đi lặp lại theo chu kỳ. Do đó, hình thức mua bán hàng hóa online đang ngày càng trở nên phổ biến. Điều này đang đòi hỏi người bán hay doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang Tây Ban Nha phải nâng cao và duy trì được chữ tín trong các giao dịch mua bán và đồng thời các cơ quan quản lý hữu quan cần có hỗ trợ việc thiết lập và quản lý một cách hiệu quả và an toàn các sàn giao dịch mua bán online hiện nay.
Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng là một nước chú trọng phát triển nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Các nông thủy sản, rau quả kể cả tươi sống và chế biến của Tây Ban Nha được xuất khẩu đi khắp thế giới, nhất là tiêu thụ trong khối EU. Do vậy, đối với nhóm hàng này, ta chỉ có thể xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha các nông thủy sản đặc thù nhiệt đới. Hay nói cách khác, Tây Ban Nha là thị trường ngách để tránh đụng hàng nhau, ví dụ như cá basa, tôm nước ấm, thanh long, mít, dừa, rau thơm…
Cũng do tác động của đại dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng đang chuyển sang mua bán các sản phẩm hàng hóa có khả năng làm gia tăng sức đề kháng cơ thể, có lợi lâu dài hơn cho sức khỏe người dân cũng như đối với các mặt hàng phòng chống dịch Covid-19.
Doanh nghiệp lưu ý
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, thực tế, trong thời gian qua có một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện hợp đồng mua bán ngoại thương giữa doanh nghiệp hai nước. Đó là mâu thuẫn/tranh chấp đối với mặt hàng hạt điều và sản phẩm thép đúc đối trọng, chủ yếu liên quan đến vi phạm trong thực hiện các điều khoản hợp đồng về thời hạn giao hàng và thanh toán, bên thanh toán chi phí kiểm định hàng hóa và lưu kho cảng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, điểm đáng lưu ý là doanh nghiệp Việt Nam đôi khi bị “hớ” khi không đưa vào hợp đồng mua bán điều khoản có lợi cho mình về “Cơ quan Trọng tài Quốc tế”.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như cá ngừ, tôm, mực vào thị trường EU nói chung và thị trường Tây Ban Nha nói riêng, doanh nghiệp cần lưu ý đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu đánh bắt, bảo quản cho đến khâu chế biến, chuyên chở để không vi phạm các quy định an toàn thực phẩm hiện hành của EU/TBN. Trong thời qua, Thương vụ cũng đã có các báo cáo cụ thể về các thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha đối với một số trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có các lô hàng chứa các chất gây bệnh như Cadimi, Ivermectin, Histamin, Sulphite…vi phạm hạn mức an toàn thực phẩm hiện hành của EU/ Tây Ban Nha.
Hơn nữa, EU đang ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility) trong sản xuất xuất khẩu hàng hóa của nước thứ ba. Cụ thể, người chủ doanh nghiệp sử dụng lao động cần phải cam kết bảo đảm điều kiện làm việc tiêu chuẩn cho công nhân, đảm bảo sản xuất an toàn về con người và về bảo vệ môi trường, và nhất là không được sử dụng lao động cưỡng bức hay lao động trẻ em. EU xem trọng các yếu tố trách nhiệm xã hội này của các doanh nghiệp như là điều kiện ràng buộc trong việc tiến hành giao dịch, ký kết và thực hiện mua bán hàng hóa với nước thứ ba.
Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hợp tác cùng xây dựng thương hiệu chung cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với bạn hàng sở tại để vừa đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vừa đảm bảo chỗ đứng lâu dài của hàng Việt tại thị trường sở tại.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và kéo dài, Thương vụ cho rằng, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương trực tuyến và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến tại các sự kiện hội chợ và triển lãm quốc tế sở tại; Tăng cường theo dõi và kịp thời cập nhật khuyến cáo liên quan về các các yêu cầu kỹ thuật và các trường hợp có thông báo vi phạm các yêu cầu kỹ thuật, kiểm dịch, an toàn môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm của các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam đến Tây Ban Nha; Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước để phục vụ thường xuyên hoạt động xúc tiến thương mại – xúc tiến đầu tư, tiếp thị và kết nối giao thương.
Ngọc Hân
 

Nguồn:Ngọc hân/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc