menu search
Đóng menu
Đóng

Tư vấn xuất khẩu thanh long sang Australia và New Zealand

16:31 16/05/2022

Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong những năm qua. Đến nay, thanh long của Việt Nam được xuất đi nhiều nước trong đó có Australia, New Zealand. Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất khẩu thanh long với thị trường Australia và New Zealand, ngày 12/5/2022, Cục Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu thanh long với thị trường Australia và New Zealand.
Phiên tư vấn được tổ chức trực tiếp tại Long An - một trong những tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn nhất của Việt Nam, kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại, với sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Việt Nam đóng trên địa bàn tỉnh Long An và cả nước.
Tại phiên tư vấn, bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An trình bày tiềm năng thế mạnh đối với các sản phẩm thanh long của tỉnh Long An; bà Dương Phương Thảo -Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại New Zealand đưa các doanh nghiệp tham gia những thông tin liên quan đến xuất khẩu thanh long vào thị trường New Zealand; bà Nguyễn Thu Hường - Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia trình bày tổng quan thị trường sản phẩm thanh long tại Australia; vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm thanh long sang thị trường Australia.
Ngoài ra, ông Peter Landon Lane, Giám đốc điều hành VentureFruit, Tập đoàn T&G Global mang đến những thông tin liên quan đến thương mại hóa quốc tế các giống hoa quả mới với mô hình sản xuất và marketing có kiểm soát; ông Humphrey Lawrence, Tổng Giám đốc phụ trách nhập khẩu, Công ty MG Marketing chia sẻ về nội dung đường dẫn tới thị trường New Zealand cho sản phẩm trái cây Việt Nam; ông Will Cao, Giám đốc nhập khẩu, Công ty Health Fresh trình bày hiệt huyết của Công ty Health Fresh với sản phẩm Việt Nam; Tiến sĩ Michael Lay-Yee, Chuyên gia độc lập (đã từng tham gia Dự án Hỗ trợ phát triển giống thanh long cho Việt Nam do New Zealand tài trợ) trình bày cơ hội để nâng cao tính bền vững cho ngành sản xuất chế biến xuất khẩu thanh long Việt Nam.
Thời gian qua, thanh long Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở các khu vực thị trường như Châu Á, Châu Âu và Mỹ, đồng thời được nhiều người Âu, Mỹ gốc Á biết tới và tiêu thụ. Ngoài quả thanh long tươi, hiện Việt Nam cũng có thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép si rô, snack thanh long, rượu vang thanh long, kem thanh long, chả cá thanh long, bánh mỳ thanh long… Một số sản phẩm thanh long chế biến đã được xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, thanh long tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của trái cây Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 1,04 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long, gặp khó. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thanh long Việt Nam tại các thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục tăng. Thông qua hàng loạt các sự kiện giao thương trực tuyến trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan liên quan tổ chức thời gian qua cho thấy, khá nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam.
Thanh long hiện được trồng ở nhiều tỉnh thành, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh Bình Thuận (29.000 ha), Long An (11.000 ha) và Tiền Giang (8.000 ha), chiếm 93,6% diện tích và 95,5 % sản lượng cả nước. Tại Long An, sản lượng quả thanh long hàng năm của tỉnh đạt khoảng 330.000 tấn. Long An đã và đang thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, phát triển vùng thanh long bền vững, theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp theo đơn hàng quanh năm. Ngoài thanh long truyền thống vỏ đỏ ruột trắng, tỉnh Long An còn có sản phẩm chủ lực là thanh long ruột đỏ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phát triển nhiều giống thanh long tím hồng, thanh long vỏ màu vàng, ruột trắng đẹp mắt với thành phần dinh dưỡng cao.
Đến nay, thanh long Châu Thành của Long An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu thanh long Tầm Vu cũng được bảo hộ tại 5 quốc gia: Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore và Trung Quốc. Hiệp hội thanh long Long An có trên 100 thành viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Long An, Tiền Giang, có năng lực kho, sơ chế có thể xuất khẩu với số lượng lớn. Đặc biệt, Long An có Nhà máy xử lý trái cây bằng công nghệ hơi nước nóng (VHT) với công suất 12.000 tấn/năm và đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu sang một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.
Trong khuôn khổ của phiên tư vấn, ngoài phiên toàn thể còn diễn ra phiên tư vấn 1:1 giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các chuyên gia cũng như nhà nhập khẩu thanh long của Australia và New Zealand. Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp xuất khẩu thanh long có cơ hội tìm hiểu sâu về thị trường thanh long tại Australia và Newb Zealand, từ đó tăng cường xuất khẩu sang những thị trường này..
Nguồn: Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương