menu search
Đóng menu
Đóng

Tương lai nào cho ngành ô tô Việt Nam trong năm 2017?

15:09 31/01/2017

2017 là năm nhiều khả năng sẽ chứng kiến một bước ngoặt lớn của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt.

Có nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá tương lai ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Trong đó, có luồng ý kiến khẳng định không còn đủ thời gian để công nghiệp ôtô Việt Nam cạnh tranh với các “đối thủ” nước ngoài. Song, cũng có ý kiến cho rằng, dù rất khó, nhưng nếu cố gắng và quyết liệt, công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn còn cơ hội, thậm chí có thể cạnh tranh tốt trong bối cảnh hội nhập.

Tăng dần tỷ lệ nội địa hóa

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, giai đoạn vừa qua công nghiệp ô tô Việt Nam chưa đạt được mục tiêu cả về tham gia chuỗi cung ứng thị trường thế giới cũng như việc tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trong nước do dung lượng thị trường vốn nhỏ, thiếu liên kết và yếu trong khâu chuyển giao công nghệ.

Về chiến lược phát triển ngành ôtô Việt Nam trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, công nghiệp ô tô Việt Nam đã có mục tiêu hình thành các chuỗi sản phẩm ôtô và tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, hướng đến một số các dòng sản phẩm chính là ô tô dưới 9 chỗ ngồi cũng như các ô tô tải và ô tô phục vụ cho các nhu cầu vận chuyển trong sản xuất và sinh hoạt. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt được quy mô, sản xuất chế tạo trong nước chiếm từ 30-40% dòng xe dưới 9 chỗ ngồi.

Theo Lãnh đạo ngành Công Thương, để đạt được mục tiêu đề ra, cần ưu tiên bằng các chính sách, cơ chế thuế phù hợp và ưu đãi để hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn với những dự án có quy mô, tạo ra hiệu quả và sức lan tỏa. Trong đó tập trung vào dòng xe dưới 9 chỗ ngồi, xe tải, xe khách và tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách về thuế cũng như chính sách đồng bộ phát triển hạ tầng, về cơ sở giao thông cũng như khuyến khích phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ…

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ôtô đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa... Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Hiện vẫn còn ý kiến băn khoăn liệu công nghiệp ôtô của Việt Nam có đạt được các mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa hay không, giá bán xe có hợp lý không, chất lượng xe và giá bán xe ở Việt Nam thế nào, việc bảo hộ sản xuất xe trong nước có bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp hay không. Liệu có hiện tượng chuyển giá trong nhập khẩu phụ tùng xe lắp ráp trong nước hay không?

Nỗi lo xe ngoại “lấn sân”

Ngành công nghiệp ôtô trong nước đang lao đao trước sức ép hội nhập ngày càng lớn. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu quy định thuế suất nhập khẩu ôtô từ châu Âu về Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng quy định ô tô tải và xe con dung tích từ 3 lít trở lên nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm thuế về 0% sau 10 năm.

Đáng lưu ý nhất đó là sức ép cạnh tranh từ các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia… khi chỉ còn 1 năm (từ năm 2018), ô tô nhập từ ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam với thuế 0% theo lộ trình trong Hiệp định thương mại tự do AFTA.

Hiện nay, mặc dù chưa gỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan song lượng ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thuộc khu vực ASEAN đã chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam.

Khi mức thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN giảm về 30% năm 2017 và 0% vào 2018, các hãng xe sẽ chủ yếu nhập khẩu, chỉ tập trung sản xuất một vài mẫu xe.

Mới đây tại triển lãm Vietnam Motor Show ở Hà Nội, hầu hết các loại xe trưng bày đều là hàng nhập khẩu. Đại diện một số hãng ô tô lớn cho biết, nếu không có những biến động khác về chính sách thuế, phí, theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% vào 2018, nhiều khả năng khi đó nhiều xe sẽ nhập khẩu từ Thái Lan thay vì sản xuất và lắp ráp trong nước.

Với những lợi thế về chính sách và nguồn gốc, xe nhập khẩu, đặc biệt từ Thái Lan và ASEAN sẽ đe dọa sự thịnh vượng của xe lắp ráp trong nước, nếu không có những chính sách can thiệp của chính phủ.

Mới đây, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. Theo đó, quy định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

Một khi đã trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chắc chắn xe nhập khẩu sẽ phải đáp ứng những điều kiện khắt khe khi tham gia vào thị kinh doanh ôtô tại Việt Nam.

Công nghiệp ô tô trong nước chỉ còn một năm nữa để chuẩn bị và tăng cường năng lực cạnh tranh. Nếu chính sách không rõ ràng, không ổn định, không nhất quán sẽ khiến các nhà đầu tư mất niềm tin. Các nhà sản xuất, lắp ráp sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam và chuyển sang thị trường khác hoặc chuyển sang việc nhập khẩu khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước ốm yếu, chết yểu….

Theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất ô tô Việt Nam hiện có trên 400 doanh nghiệp, nhưng đa số các doanh nghiệp đều có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%. Việc lắp ráp được tiến hành ở hầu hết các chủng loại xe con (công suất khoảng 200.000 xe/năm), xe tải và xe khách (công suất khoảng 215.000 xe/năm).

 

Nguồn: Trần Ngọc/VOV