menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu hàng hoá cần tiến sâu vào thị trường ngách

09:05 21/11/2022

Tăng trưởng XK hàng hoá sang nhiều thị trường chủ lực của Việt Nam dự báo sẽ chậm lại do áp lực từ lạm phát, suy thoái kinh tế.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm ở thị trường truyền thống, đồng thời gia tăng thúc đẩy XK sang các thị trường mới, thị trường ngách được nhìn nhận là giải pháp hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn thời gian tới.
Theo Bộ Công Thương, 10 tháng năm 2022, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 312,8 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Dù XK sang các thị trường truyền thống vẫn ghi nhận tăng trưởng, song ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) lưu ý, trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ, tăng trưởng ở những thị trường XK chủ lực dự kiến sẽ chậm lại.

Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam 10 tháng qua, với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch XK cả nước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch XK ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. XK sang thị trường EU ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%; XK sang ASEAN ước đạt 28,9 tỷ USD, tăng 24%; XK sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 15,4%; XK sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 22%.

Đại diện Bộ Công Thương phân tích, những tháng cuối năm 2022, lạm phát tăng cao ở hầu hết quốc gia là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá NK từ các nước. Thị trường XK đối mặt với thách thức bị thu hẹp thị trường khi kinh tế Hoa Kỳ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế..., dẫn tới nhiều hệ lụy cho tăng trưởng kinh tế và hoạt động XNK trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200% GDP).
Từ góc độ ngành hàng, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) chia sẻ: “Lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường XK chính của nhóm hàng là các nước EU, cùng với tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến người dân ở các quốc gia này có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Nhu cầu với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ khó tăng mạnh như trước kia”.
Trong bối cảnh tăng trưởng XK sang các thị trường đình đám như Hoa Kỳ, EU… dự báo sẽ chững lại, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng càng cần thúc đẩy xúc tiến thương mại mạnh mẽ bằng các cách thức phù hợp, đánh trúng thị hiếu người tiêu dùng hơn nữa. Đơn cử như với thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU phân tích: thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường... Việc xây dựng cơ chế chính sách của Việt Nam cần bắt kịp với xu hướng của EU, đặc biệt là xu hướng phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch. Các DN Việt cần có kế hoạch kinh doanh bài bản, lâu dài với thị trường EU.
Với thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York khuyến nghị: các DN cần khai thác thế mạnh đặc sản vùng miền, lợi thế cạnh tranh, đồng thời, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm khách hàng. Bên cạnh đó, DN cũng cần hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội, DN, chuỗi phân phối, đầu mối NK; quan tâm tới các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, xã hội…
Tại thị trường Trung Quốc, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) đề xuất, trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, Việt Nam cần xây dựng phương án có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào một vài ngành hàng hoặc một vài nhóm mặt hàng có thế mạnh XK nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm hàng khác cùng loại. Điển hình như, Việt Nam nên tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng hình ảnh đối với trái sầu riêng và măng cụt, là 2 sản phẩm Trung Quốc không sản xuất được.
Đẩy mạnh khai thác thị trường ngách
Bên cạnh các thị trường XK truyền thống, theo ông Vũ Bá Phú: “Thời gian tới để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là XNK, hoạt động xúc tiến thương mại cần tăng cường hơn nữa, nhất là tại các thị trường mới, thị trường ngách với những mặt hàng mới, phù hợp năng lực sản xuất của Việt Nam”.
Các thị trường triển vọng được đề cập tới là thị trường châu Phi, Trung Đông, Trung Á, Mỹ Latinh… Chia sẻ về quốc gia tiềm năng tại khu vực châu Phi là Bờ Biển Ngà, ông Nguyễn Quốc Chính, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Maroc cho biết: đây là quốc gia thuộc Tây châu Phi với dân số gần 26,5 triệu người, có sức tiêu thụ hàng hóa khá mạnh. Trong khi đó, tiêu chuẩn sản phẩm của thị trường không quá khắt khe, phù hợp với hàng hóa của Việt Nam. Sản phẩm của Việt Nam được Bờ Biển Ngà đánh giá là sản phẩm trung cấp, có nhu cầu NK khá lớn nhiều mặt hàng.
“Mặc dù có nhiều tiềm năng và DN Bờ Biển Ngà cũng rất chủ động tìm kiếm cơ hội giao thương với Việt Nam, song do địa lý xa xôi, chưa có đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bờ Biển Ngà nên hai bên cảm thấy rủi ro trong thanh toán. Mặt khác, văn hóa kinh doanh tại Bờ Biển Ngà rất coi trọng giao tiếp trực tiếp, họ ngại ngần làm việc qua email. Đây là những yếu tố cần lưu ý trong quá trình thúc đẩy giao thương với thị trường này”, ông Chính nói.
Lưu ý DN XK cần đặc biệt chú trọng tới những chính sách thương mại mới tại các thị trường ngách, thị trường mới, ông Chính dẫn chứng, với thị trường Maroc, có một số sửa đổi về thuế được đề xuất thực hiện trong năm 2023 như: giảm thuế NK từ 10% xuống 2,5% đối với cà phê chưa rang; giảm thuế NK áp dụng cho các sản phẩm đầu vào để sản xuất bộ lọc cho xe ô tô…
Đánh giá Philippines là thị trường có nhiều tiềm năng cho hàng Việt thời gian tới, ông Phùng Văn Thành, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Philippines thông tin: hiện nay Philippines rất quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc các DN Việt Nam sẽ gặp khó khăn bởi Việt Nam XK vào Philippnes chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, cần đa dạng hoá mặt hàng XK vào thị trường này. “Bên cạnh đó, đối với các hợp đồng đã ký, chuẩn bị ký với các đối tác Philippines, DN Việt Nam cần xác minh khả năng thực hiện hợp đồng của đối tác để tránh trường hợp đổ bể hợp đồng gây thiệt hại cho cả hai bên”, ông Phùng Văn Thành lưu ý.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc