menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu nông sản sang Thụy Sĩ: Vượt qua trở ngại

08:18 26/07/2022

Tuy không nằm trong nhóm sản phẩm được bảo hộ mạnh của Thụy Sĩ, song để tăng thị phần tại thị trường này đòi hỏi nông sản Việt phải vượt qua nhiều điểm "khó".
 
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 24/5: Không còn ùn tắc khi xuất khẩu nông sản qua biên giới phía BắcBộ Công Thương hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh xuất khẩu nông sảnXuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ: Thích ứng quy định mới
Thụy Sĩ là một trong những thị trường mục tiêu của hàng hóa Việt Nam. Danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ khá đa dạng, trải rộng trên 300 mặt hàng, trong đó nông sản thực phẩm là mặt hàng xuất khẩu chính. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng năm 2022 Việt Nam xuất khẩu trên 91,4 triệu USD sang Thụy Sĩ, riêng mặt hàng thuỷ sản đạt trên 16,2 triệu USD, rau, quả trên 1,4 triệu USD.
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Thụy Sĩ
Dù được coi là những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng nhưng thị phần nông sản của Việt Nam tại Thụy Sĩ còn khá nhỏ bé. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Thụy Sĩ, ngoài tôm đông lạnh, phi lê cá tra, hạt điều - có thị phần lớn, những mặt hàng còn lại thị phần khiêm tốn, trong đó cà phê 3%, trái cây tươi 11,3%, rau củ 0,3%, chế phẩm rau quả 0,3%.
Theo bà Nguyễn Thị Thục - Chủ tịch Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ, hầu hết nông sản thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Sĩ dưới dạng thô. “Tại các siêu thị của người châu Á, sản phẩm của Việt Nam không nhiều, chỉ có hạt điều; còn lại những mặt hàng khác như hạt tiêu, cà phê đã qua nhiều công đoạn chế biến và không còn nguồn gốc Việt Nam nữa” - bà Thục nói, đồng thời cho biết, hiện Chính phủ Thụy Sĩ bảo hộ rất cao với ngành nông nghiệp.
Lưu ý các quy định
Thụy Sĩ là thị trường cao cấp, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả lớn cho tiêu dùng nhưng cũng đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng tốt. Do nằm ở trung tâm châu Âu nên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn do chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế cao của Thụy Sĩ. Mặt khác, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của Thụy Sĩ tương đồng với Liên minh châu Âu, đồng thời sử dụng thêm một số tiêu chuẩn riêng. Có nghĩa, điều kiện với hàng hóa nhập khẩu ở mức rất cao.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Đức Thương - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sĩ - cho biết: Nông sản nhập khẩu vào Thụy Sĩ phải chịu thuế nhập khẩu theo kỳ trong năm (loại nông sản nhập khẩu trùng với mùa vụ thu hoạch sản phẩm cùng loại của Thụy Sĩ sẽ chịu mức thuế cao), hạn ngạch thuế quan và giấy phép nhập khẩu. Vì vậy, nhập khẩu nông sản thực phẩm phải đáp ứng nhiều quy định khác nhau, liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau.
Một trở ngại nữa đối với nhà nhập khẩu nông sản thực phẩm nước ngoài vào Thụy Sĩ, nằm ở chính sách của hệ thống bán lẻ. 2 chuỗi siêu thị lớn Migros và Coop chiếm 65% doanh số thị trường bán lẻ nông sản và thực phẩm của Thụy Sĩ, thường ưu tiên bán sản phẩm được sản xuất trong nước hơn là sản phẩm có thương hiệu nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Thương lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa vào Thụy Sĩ, hiện có 2 trường hợp khác nhau áp dụng cho sản phẩm nhập khẩu tại Thụy Sĩ. Theo đó, các sản phẩm đã được tiêu thụ hợp pháp tại EU có thể được tiêu thụ hợp pháp tại Thụy Sĩ, kể cả có sự khác biệt so với tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn của Thụy Sĩ (trừ một số sản phẩm trong danh mục loại trừ). Các sản phẩm không thuộc phạm vi nói trên phải tuân thủ các quy định của Thụy Sĩ để được đưa vào thị trường này.
Chế biến sâu là con đường phù hợp và thuận lợi hơn cho nông sản Việt tại Thụy Sĩ. Ngoài ra, phân khúc sản phẩm hữu cơ đang tăng trưởng rất nhanh tại Thụy Sĩ, do vậy sản phẩm đạt tiêu chuẩn Global GAP hay hữu cơ có thể dễ dàng tiến sâu hơn vào thị trường này.
Việt Nga

Nguồn:Việt Nga/congthuong.vn

Link gốc