menu search
Đóng menu
Đóng

Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2021

09:37 04/05/2021

Tăng tiền hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp; phí cấp hộ chiếu điện tử 200.000 đồng... là những quy định mới có hiệu lực từ tháng 5.
Tra cứu thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng tin nhắn
Theo Nghị định 37/2021 hướng dẫn thi hành Luật Căn cước công dân, có hiệu lực từ 14/5, khi cần tra cứu dữ liệu của bản thân để đối chiếu, tránh sai sót, người dân có thể yêu cầu cung cấp dữ liệu bằng văn bản hoặc nhắn tin. Trưởng công an cấp xã có thẩm quyền cho phép cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về dịch vụ nhắn tin nêu trên. Quy trình dự kiến là người dân có thể gửi văn bản hoặc tin nhắn đến trưởng công an xã, vị này sẽ xem xét và ra quyết định cho phép tra cứu, phản hồi dân trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc. Nếu từ chối, trưởng công an xã sẽ phải phản hồi lý do không đồng ý. Trước đó người dân có thể tra cứu thông tin qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Yêu cầu về người đại diện theo pháp luật của DN thẩm định giá
Nghị định 12/2021 sửa đổi Nghị định 89/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá có hiệu lực từ ngày 1-5. Theo đó, Nghị định bổ sung quy định về yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.
Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 39 Luật giá 2012.
- Có ít nhất ba năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá.
- Không là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong khoảng thời gian một năm (12 tháng) tính tới thời điểm nộp hồ sơ cấp, cấp lại Giấy chứng nhận này.
Điểm mới trong giao dịch thuế điện tử
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 19/2021 hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 3-5. - Theo đó, có một số điểm mới nổi bật đáng lưu ý về chứng từ điện tử như đã bổ sung quy định hồ sơ thuế điện tử bao gồm: Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế; tra soát thông tin nộp thuế; thủ tục bù trừ tiền thuế, tiên chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; miễn thuế, giảm thuế; miễn tiền chậm nộp; không tính tiền chậm nộp; khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ.
- Sửa đổi, bổ sung quy định chứng từ nộp ngân sách nhà nước (NSNN) điện tử:
Chứng từ nộp NSNN theo quy định tại Nghị định 11/2020 về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; trường hợp nộp thuế qua hình thức nộp thuế điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thì chứng từ nộp NSNN là chứng từ giao dịch của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đảm bảo đủ các thông tin trên mẫu chứng từ nộp NSNN.
Quy định cũ trước đây là chứng từ nộp thuế điện tử là giấy nộp tiền hoặc chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính dưới dạng điện tử, trừ trường hợp nộp thuế qua hình thức nộp thuế điện tử của ngân hàng.
Quy định hỗ trợ tài chính trong Khu kinh tế - quốc phòng
Nghị định 22/2021 về Khu kinh tế - quốc phòng có hiệu lực từ ngày 5-5, quy định việc hỗ trợ tài chính trong Khu kinh tế - quốc phòng như sau:
- Đoàn kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ kinh phí mua, sửa chữa trang thiết bị y tế, giáo dục, phương tiện GTVT, phương tiện truyền thông, nhiên liệu và vật tư trang thiết bị khác;...
- Doanh nghiệp quốc phòng an ninh được giao nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
- Hộ dân sinh sống hợp pháp tại Khu kinh tế - quốc phòng được hưởng các quy định về hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ về nhà ở, công trình sinh hoạt thiết yếu và BHYT theo quy định.
- Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự đến công tác tại Khu kinh tế - quốc phòng được hưởng các chế độ chính sách, ưu đãi theo quy định.
Hoàn thành việc tổ chức Công an xã chính quy trước 30-6-2022
Nghị định 42/2021 quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 16-5.
Nghị định này quy định vị trí, thẩm quyền quyết định của tổ chức Công an xã, thị trấn chính quy (Công an xã chính quy); lộ trình thực hiện; quan hệ công tác, điều kiện bảo đảm hoạt động của Công an xã chính quy; trách nhiệm của các bộ, ngành; UBND các cấp trong xây dựng Công an xã chính quy.
Theo đó, việc tổ chức Công an xã chính quy tại các xã, thị trấn trên cả nước được thực hiện theo lộ trình cụ thể như sau:
- Trước ngày 30-6-2021, hoàn thành việc tổ chức Công an xã chính quy tại các xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
- Trước ngày 30-6-2022, hoàn thành việc tổ chức Công an xã chính quy đối với các xã, thị trấn còn lại trong toàn quốc.
Đối với xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy, trường hợp công an xã bán chuyên trách được đồng ý tiếp tục sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản khác.
Tăng tiền hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp
Từ ngày 15/5, chi phí hỗ trợ học nghề cho lao động mất việc tăng từ một lên 1,5 triệu đồng/tháng, theo Quyết định 17/2021 của Thủ tướng.
Chính sách mới này áp dụng cho lao động thất nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội. Người lao động tùy nhu cầu có thể lựa chọn một trong hai gói. Với gói học nghề ngắn hạn dưới ba tháng, mức hỗ trợ tính theo tiền học phí của trường nghề và thời gian học thực tế, tối đa không quá 4,5 triệu đồng mỗi khóa.
Với người tham gia khóa trên 3 tháng đến dưới 6 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng mỗi người một tháng.
Cho phép dạy trực tuyến thay thế dạy trực tiếp
Từ ngày 16/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép nhà trường tổ chức dạy trực tuyến một phần hoặc toàn bộ nội dung bài học để hỗ trợ hoặc thay thế dạy trực tiếp. Quy định này được nêu cụ thể trong Thông tư 09 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo Bộ Giáo Dục và Đào tạo, việc dạy học trực tuyến được xác định hỗ trợ và thay thế dạy học trực tiếp, giúp nâng cao chất lượng dạy học, phát huy năng lực sử dụng công nghệ thông tin. Dạy học trực tuyến sẽ được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh.
Hiệu trưởng được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ hay thay thế dạy học trực tiếp tại trường trong thời gian học sinh không đến trường vì lý do bất khả kháng...
Phí cấp hộ chiếu gắn chip điện tử 200.000 đồng
Lần đầu Bộ Tài chính quy định lệ phí cấp hộ chiếu gắn chip điện tử và hộ chiếu không gắn chip có mức phí bằng nhau là 200.000 đồng. Quy định có hiệu lực từ ngày 25/5 theo Thông tư 25 của Bộ Tài Chính.
Bộ Tài chính cũng quy định điểm mới về lệ phí và thời hạn cấp thẻ tạm trú cho công dân nước ngoài. Thay vì có thời hạn 2-5 năm thì quy định mới tăng 5-10 năm và phí cấp thẻ tạm trú tăng từ 155 USD (3,5 triệu đồng) lên 165 USD (3,7 triệu đồng) mỗi thẻ.
Ngoài ra, Bộ bỏ quy định thu lệ phí khi gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ 100.000 đồng/lần.
4 ngân hàng miễn, giảm lãi vay do ảnh hưởng Covid 19
Tại Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài miễn, giảm lãi, phí đến ngày 31/12/2021 đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng, mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong thời gian từ 23/01/2020 đến 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận theo doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của Covid-19.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được yêu cầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đến ngày 31/12/2021 nếu khách hàng đáp ứng các điều kiện như: Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021…
Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5/2021.
Từ ngày 1-5, Hiệp định UKVFTA sẽ có hiệu lực
Theo quy định tại Khoản 2a Điều 9, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-5-2021.
Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam và Vương quốc Anh duy trì các điều kiện thương mại ưu đãi và lợi ích kinh tế thông qua các cam kết mở cửa thị trường đã có trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Thương mại dịch vụ tiếp tục được duy trì, trong đó hai bên có điều kiện thúc đẩy hơn nữa hợp tác về dịch vụ trong thời gian tới. Trong tháng 1-2021, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, việc Chính phủ Việt Nam mới đây đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn UKVFTA sẽ giúp Hiệp định có hiệu lực chính thức trong thời gian sớm (Hiệp định đang có hiệu lực tạm thời từ ngày 1-1-2021).
Trước đó, ngày 26-3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã chủ trì buổi lễ trao đổi Công hàm khẳng định ngày có hiệu lực của Hiệp định UKVFTA.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 1,024 tỷ USD, tăng 20,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy Hiệp định UKVFTA đã tạo ra động lực quan trọng trong việc phục hồi trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm nay.
Bên cạnh đó, việc Vương quốc Anh đang triển khai chiến lược tiêm chủng vắc xin trên diện rộng và triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực được các thể chế uy tín quốc tế đưa ra gần đây, hứa hẹn lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục là điểm sáng trong mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Sau khi Hiệp định UKVFTA được chính thức ký kết vào ngày 29-12-2020 tại Anh, Việt Nam và Vương quốc Anh đã hoàn tất thủ tục trong nước cho phép áp dụng tạm thời Hiệp định này kể từ 23h giờ GMT ngày 31-12-2020 (tức là 6h ngày 1-1-2021 theo giờ Việt Nam).

Nguồn:VITIC