menu search
Đóng menu
Đóng

Hết thời hoàng kim xe tải Trung Quốc?

10:36 03/03/2017

Nhìn ngược thời gian, những năm 2014- 2015, thị trường ôtô Việt Nam bất ngờ “choáng” khi dòng lũ xe tải Trung Quốc tràn vào.
Năm 2014, Việt Nam nhập hơn 13.700 xe tải Trung Quốc, năm 2015 xác lập kỷ lục với 26.700 xe, khiến các doanh nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam đứng ngồi không yên.
Thế rồi, dòng lũ đó nhanh chóng giảm dần cường độ. Năm 2016 chỉ còn gần 11.000 xe tải Trung Quốc lăn bánh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2017 chỉ có 94 xe nhập về Việt Nam, sụt giảm mạnh so với 560 xe trong tháng 1/2016 hoặc 1.655 xe hồi tháng 1/2015, báo hiệu “chấm hết” thời hoàng kim ngắn ngủi của xe tải Trung Quốc trên thị trường Việt Nam.
Vì sao xe tải Trung Quốc nhanh chóng thoái lui? Giới am hiểu thị trường ôtô phân tích.
Năm 2015, xe tải Trung Quốc về Việt Nam tăng đột biến bởi được hưởng nhiều ưu đãi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN- Trung Quốc, có hiệu lực ngày 1/1/2015: Xe tải nguyên chiếc trên 45 tấn chỉ chịu thuế suất thuế nhập khẩu 0%; xe tải từ 25 tấn đến 45 tấn chỉ chịu thuế suất 10- 15%.
Trong khi đó, theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), cộng cả chi phí lắp ráp và thuế nhập khẩu linh kiện thì chi phí xe tải lắp ráp ở Việt Nam cao hơn nhiều so với nhập xe tải nguyên chiếc.
Trước áp lực đó, tháng 3/2015, VAMI đã có kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính sửa đổi thuế nhập khẩu với xe tải. Tháng 12/2015, Bộ Tài chính đã quyết định nâng thuế nhập khẩu với các dòng ôtô tải: Xe có tổng trọng lượng có tải tối đa trên 10 tấn đến 20 tấn chịu thuế nhập khẩu tăng từ 30% lên 50%; xe có tổng trọng lượng có tải tối đa từ 20- 24 tấn tăng từ 20% lên 50%... Hàng rào thuế nhập khẩu đã nhanh chóng hạn chế xe tải từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam từ năm 2016.
Một nguyên nhân khác rất... thị trường: Chất lượng. Nhiều công ty nhập khẩu ôtô cho hay, năm 2015, xe tải Trung Quốc nhập vào Việt Nam quá nhiều, khó tiêu thụ, tồn kho lớn, vì chất lượng thấp, độ an toàn không cao, trang thiết bị nghèo nàn, kiểu dáng nhái những thương hiệu lớn…, dù giá rất rẻ. Trong khi đó, nhiều thương hiệu xe tải lắp ráp trong nước như của Thaco, TMT... có chất lượng cao hơn, chạy tốt, giá hợp lý. Bởi vậy, doanh nghiệp, người kinh doanh vận tải dần dần quay lưng với xe tải Trung Quốc.
Bên cạnh hàng rào kỹ thuật được dựng lên để bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, quy luật thị trường là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của bất kỳ một thương hiệu nào.
Nguồn: Trần Phương/Báo Công Thương điện tử