menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường ô tô tháng 10, 10 tháng và nhận định những tháng cuối năm 2019

11:01 15/11/2019

Vinanet -Thị trường ôtô tháng 10/2019 chứng kiến xe nhập khẩu tăng liên tiếp cả lượng và trị giá, xe sản xuất trong nước đuối dần.
Theo nguồn tin từ báo Haiquanonline, trước làn sóng xe nhập khẩu tràn vào với mức giá cạnh tranh, kết quả kinh doanh tháng 10 của các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam đang dần đuối sức. Các “ông lớn” đang có đợt khuyến mại giảm giá "khủng" để cạnh tranh, giành lại thị phần.
Báo cáo cập nhật nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tháng 10 có hơn 28.900 chiếc xe được bán ra tại thị trường Việt Nam, chỉ tăng 4,3% so với tháng 9/2019. Trong đó trên 70% là dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi, với 21.355 xe, tăng 2% so với tháng trước; còn lại là 7.228 xe thương mại, tăng 11% và 365 xe chuyên dụng, tăng 14%.
Tính chung 10 tháng năm 2019, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 259.282 xe các loại, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe du lịch đạt 190.049 xe, tăng 26%; xe thương mại đạt 64.751 xe, giảm 2%; xe du lịch 4.482 xe, giảm 27% so với cùng kì năm ngoái.
So với cùng kỳ năm trước, tháng 10/2019 chỉ có các dòng xe du lịch tăng nhanh (hơn 26%), còn các loại xe khác đều giảm.
Phân tích sâu hơn sẽ thấy xu thế đáng lo ngại đối với sản xuất lắp ráp trong nước. Tháng 10, sản lượng tiêu thụ của xe lắp ráp trong nước tiếp tục đà suy giảm khi chỉ bán ra thị trường được 16.406 xe, giảm 3% so với tháng trước. Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu là 12.542 xe, tăng 16% so với tháng trước.
Đây là tháng thứ ba doanh số xe sản xuất lắp ráp trong nước giảm (12% so với cùng kỳ năm trước), trong khi các dòng xe nhập khẩu tăng tới 118% so với cùng kỳ.
Cụ thể, xe lắp ráp trong nước tính đến hết tháng 10/2019 chỉ tiêu thụ được 153.100 chiếc, giảm hơn 21.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó xe nhập khẩu bán ra đạt hơn 106.000 chiếc, tăng hơn 57.400 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Đây là một thực tế đã được dự đoán trước khi xe nhập khẩu không còn “vướng” bởi các quy định liên quan đến Nghị địng 116, đã tràn vào nhanh chóng với nhiều mẫu mã mới, đặc biệt là mức giá cạnh tranh do sản phẩm được hưởng thuế nhập khẩu 0% từ các nước trong khu vực.
Xét về thương hiệu ô tô, dẫn đầu thị trường về doanh số bán hàng trong tháng qua tiếp tục là Toyota với 7.216 xe được bàn giao đến tay khách hàng; Mitsubishi bất ngờ vươn lên vị trí thứ 2 với 3.566 xe, Ford xếp ở vị trí thứ 3 với 3.114 xe và Honda ở vị trí thứ 4 với 3.058 xe, các thương hiệu khác lâu nay có doanh số bán hàng tốt nhưng tháng qua nằm ở các vị trí tiếp theo là Kia và Mazda với doanh số lần lượt là 2.683 và 2.515 xe.
Tuy nhiên doanh số báo cáo bán hàng trên của VAMA chưa thể hiện hết toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam bởi đây mới là kết quả của các doanh nghiệp thuộc VAMA. Thậm chí ngay cả một số thành viên của VAMA không công bố công khai doanh số như Mercedes-Benz, VinFast…
Số liệu này cũng chưa tính đến kết quả của thương hiệu TC Motor, trong khi đây hiện đang là doanh nghiệp có số lượng xe du lịch bán ra luôn lớn nhất nhì thị trường. Nếu tính riêng TC Motor trong tháng 10 vừa qua thương hiệu này đã bán 7.737 xe, nâng tổng doanh số trong 10 tháng năm 2019 lên 63.210 xe các loại. Cộng chung số liệu công bố của VAMA và TC Motor, trong tháng 10 vừa qua, thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ 36.686 xe, 10 tháng năm 2019 có tổng số 322.492 xe ô tô.
Mặt khác còn khá nhiều kết quả bán hàng của các thương hiệu khác như Audi, Jaguar, Land Rover, Subaru, Volkswagen, Volvo… cũng chưa được tổng hợp vào đây.
Dù vậy kết quả của tháng 10 dường như chưa đạt được như kỳ vọng mong muốn của các doanh nghiệp sau hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm giá sâu; đặc biệt sau kỳ triển lãm ô tô lớn nhất trong năm vừa diễn ra.
Về nhập khẩu, theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, tháng 10/2019 nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đều tăng cả về lượng và trị giá so với tháng 9/2019, tăng lần lượt 50,2% và 28,6% đạt 16,68 nghìn chiếc, trị giá 323,77 triệu USD – đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp.
Nâng lượng xe nhập khẩu tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2019 lên 123,48 nghìn chiếc, trị giá 2,71 tỷ USD, tăng gấp 2,3 lần về lượng (tức tăng 131,6%) và gấp 2,3 lần về trị giá (tức tăng 126,5%) so với cùng kỳ năm trước.
Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là những thị trường chính Việt Nam nhập khẩu xe ô ô nguyên chiếc trong 10 tháng đầu năm nay, trong đó nhập từ các thị trường Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản tăng mạnh.
Cụ thể, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu thị trường, lượng xe nhập từ thị trường này chiếm 55,84% thị phần, đạt 68,9 nghìn chiếc, trị giá 1,39 tỷ USD, tăng 88,1% về lượng và 90,9% trị giá so với cùng kỳ, riêng tháng 10/2019 cũng đã nhập từ thị trường Thái Lan 6,7 nghìn chiếc, trị giá 134,3 triệu USD, tăng 21,58% về lượng và 13,66% về trị giá so với tháng 9/2019, nhưng giảm 4,28% về lượng và giảm 0,33% trị giá so với tháng 10/2018.
Đứng thứ hai là Indonesia, đạt 39,91 nghìn chiếc, trị giá 545,69 triệu USD, tăng gấp 3,9 lần về lượng (tức tăng 286,96%) và gấp 3,2 lần về trị giá (tức tăng 221,33%) giảm 16,78% so với cùng kỳ. Riêng tháng 10/2019 cũng đã nhập từ Indonesia 8,01 nghìn chiếc, trị giá 100,30 triệu USD, tăng gấp 2,2 lần về lượng (tức tăng 115,39%) và tăng 95,57% trị giá so với tháng 9/2019; nếu so với tháng 10/2018 tăng 92,07% về lượng và 50,6% về trị giá.
Với vị trí khoảng cách và địa lý không xa với Việt Nam, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc mạnh, gấp 4,3 lần về lượng (tức tăng 326,17%) và tăng gấp 6,3 lần về trị giá (tức tăng 531,81%) trong 10 tháng đầu năm 2019, đạt 4,3 nghìn chiếc, trị giá 175,31 triệu USD.
Bên cạnh đó, nhập từ thị trường Nhật Bản cũng tăng khá, gấp 2,3 lần về lượng (tức tăng 126,22%) và tăng gấp 2,3 lần trị giá (tức tăng 134,02%) đạt 2,6 nghìn chiếc, trị giá 134,2 triệu USD.
Tiếp theo là các thị trường Đức, Mỹ, Hàn Quốc…
Nhìn chung, 10 tháng đầu năm 2019, lượng xe nhập khẩu từ các thị trường hầu hết đều tăng mạnh, theo đó tăng nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, mặc dù trong tháng 10/2019 lượng xe nhập từ thị trường này giảm 11,16% so với tháng 9/2019 chỉ có 414 chiếc, trị giá là 18,4 triệu USD, tăng 21,5%, nếu so sánh với tháng 10/2018 tăng 58,62% về lượng và gấp 2,1 lần về trị giá (tức tăng 108,96%).
Ở chiều ngược lại, Việt Nam giảm mạnh nhập khẩu từ thị trường Pháp, giảm 10,53% về lượng nhưng tăng 1,26% trị giá, với 34 chiếc, trị giá 4,24 triệu USD.
Đáng chú ý, 10 tháng đầu năm nay lượng xe nhập từ thị trường Ấn độ chỉ có 143 chiếc, nhưng giá bình quân nhập từ thị trường này tăng mạnh gấp 7,6 lần (tức tăng 662,53%) đạt 366931,55 USD/tấn, tăng gấp 2,5 lần về lượng (tức tăng 150,88%) và gấp 19 lần (tức tăng 1813,01%) về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường nhập khẩu ôtô nguyên chiếc 10 tháng năm 2019

Thị trường

10 tháng năm 2019

+/- so với cùng kỳ 2018 (%)*

Lượng (chiếc)

Trị giá (USD)

Lượng

Trị giá

Thái Lan

68.957

1.390.193.668

88,1

90,9

Indonesia

39.911

545.697.829

286,96

221,33

Trung Quốc

4.364

175.315.543

326,17

531,81

Nhật Bản

2.649

134.251.913

126,22

134,02

Đức

1.269

82.158.820

100,79

157,11

Mỹ

1.263

54.915.961

112,27

122,97

Hàn Quốc

1.038

73.024.154

203,51

201,17

Nga

598

53.986.971

52,55

85,62

Anh

408

27.765.587

166,67

33,69

Ấn Độ

143

52.471.211

150,88

1.813,01

Pháp

34

4.244.018

-10,53

1,26

Canada

31

4.068.298

47,62

295,14

(*tính toán số liệu từ TCHQ)
Nhiều nhận định cho thấy thị trường ô tô Việt Nam sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm, đây là mùa cao điểm mua sắm ô tô tại Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh các hãng đang đua nhau giảm giá xe, nhất là các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước khi hiện tượng tồn hàng đã và đang diễn ra.
Tháng 10, mẫu Xpander của Mitsubishi tiếp tục là hiện tượng đột biến khi bán đạt 2.600 chiếc, cao nhất tại thị trường Việt Nam, vượt cả dòng xe luôn có doanh số cao nhất thị trường là Vios của Toyota (chỉ bán ra được 2.200 chiếc). Mẫu xe bán tải Ranger của Ford cũng bán ra được hơn 1.400 chiếc, trở thành mẫu xe bán được nhiều nhất tháng qua. Trong khi đó, đại diện mẫu xe nhập từ Thái Lan khác là Honda CRV cũng có doanh số hơn 1.100 chiếc, đứng thứ 3 trong số các dòng xe nhập ăn khách nhất thị trường. Các loại xe lắp ráp trong nước có doanh số cao có các mẫu như Vios của Toyota (2.200 chiếc), Hyundai Accent (1.900 chiếc) Innova (1.000 chiếc), Mazda 3 (1.600 chiếc), Hyundai Grand i10 (1.600 chiếc)...
Nguồn: VITIC