Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Australia hiện đã vượt xa khả năng sản xuất, khiến quốc gia này hằng năm phải nhập khẩu hơn 200 nghìn tấn thủy sản, trị giá khoảng một tỷ USD, trong đó Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ ba sau New Zealand và Trung Quốc, chiếm 20% thị phần.
Tiềm năng rất lớn
Với dân số hơn 23 triệu người (dự kiến tăng lên 40 triệu người vào năm 2050) và là một trong những nước có tiêu chuẩn sống cao nhất trên thế giới với mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tăng từ 10kg/năm vào những năm 1990 lên khoảng 25kg/năm hiện nay. Tuy nhiên, mức tiêu thụ bình quân này vẫn còn thiếu 40% so với khuyến cáo của các tổ chức về sức khoẻ của nước này. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Australia sẽ còn tăng hơn nữa và là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Tôm là loại hải sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Australia, với khối lượng hằng năm lên tới 50 nghìn tấn, trong đó nhập khẩu khoảng 25 nghìn tấn. Tôm nuôi chỉ khoảng 4.000 tấn còn lại là đánh bắt tự nhiên. Tôm của Australia thường rất đắt nhưng được ưa chuộng vì tươi và người Australia thích mua hàng thực phẩm trong nước. Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn tôm đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam do giá thành thấp hơn và chất lượng ngày càng được cải thiện (năm 2013, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt hơn 128 triệu USD, tăng 27,5% so với năm 2012 và đây là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 6 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc). Người tiêu dùng Australia chuộng tôm sú to.
Loại hải sản được tiêu thụ nhiều thứ hai là cá hồi tươi Đại Tây Dương với hơn 80% được nuôi tại các trang trại ở Tasmania. Người tiêu dùng Australia thích loại cá này vì là sản phẩm trong nước, có hàm lượng Omega 3 trong cá tốt cho sức khoẻ.
Loại hải sản được tiêu thụ nhiều thứ ba là cá basa, cũng là một lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, những thông tin sai lệch về chất lượng và an toàn thực phẩm của cá basa (và tất cả các loại cá từ Đông Nam Á) đã phần nào làm hạn chế lượng tiêu thụ.
Nói chung, người Australia chuộng cá nước mặn hơn cá nước ngọt bởi vì cá nước ngọt ở Australia tanh mùi bùn. Cá basa thành công ở Australia vì hầu hết người tiêu dùng ở đây không biết đó là cá nước mặn hay cá nước ngọt.
Australia là thị trường xuất khẩu thủy sản tiềm năng của Việt Nam, nhưng cũng là quốc gia có các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Hàng thủy sản của Việt Nam vẫn còn vài trường hợp dư lượng kháng sinh và dư lượng thuốc diệt nấm bị phát hiện và điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam nếu không loại trừ triệt để. Các trường hợp vi phạm do Bộ Nông nghiệp kiểm tra và phát hiện sẽ bị thông báo rộng rãi trên trang web của Chính phủ bao gồm cả tên nhà cung cấp và nước cung cấp. Ngoài ra, gần đây Australia phát hiện thủy sản Việt Nam bị bơm nước và tạp chất. Vấn đề này sẽ huỷ hoại hình ảnh của Việt Nam. Nó làm giảm giá trị và chất lượng của sản phẩm và tồi tệ nhất là thủy sản Việt Nam bị giảm giá trên thị trường.
Nguồn cung hàng của Australia bị hạn chế bởi vì Australia chỉ có thể cung cấp 25% nhu cầu hiện nay, do vậy hầu hết người tiêu dùng chỉ có hai lựa chọn hoặc mua hàng nhập khẩu, hoặc không ăn hải sản. Thật đáng tiếc là nhiều người chọn không mua hải sản và hầu hết người Australia ăn ít hơn 40% lượng hải sản mà các cơ quan sức khoẻ khuyến cáo. Để khắc phục điều này, Australia cần nhập thêm hàng triệu tấn hải sản. Do vậy, tiềm năng từ thị trường này rất lớn nếu người tiêu dùng tin tưởng và quay sang lựa chọn các nhãn hiệu nhập khẩu. Việt Nam hiện là một trong ba nhà nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho thị trường Australia nên chắc chắn sẽ tăng được thị phần nếu có cách tiếp cận và bước đi phù hợp.
Cách tối ưu để đưa hải sản vào Australia
Giải pháp ưu việt nhất là đưa hàng có chất lượng cao và xuất xứ tốt của sản phẩm và xây dựng hình ảnh sản phẩm của Việt Nam không kém hơn các sản phẩm của Australia. Điều này hoàn toàn có thể. Xuất xứ tốt của sản phẩm (không phải giá thấp) nên là trọng tâm chính cần hướng tới. An toàn thực phẩm, môi trường bền vững, đãi ngộ lao động, tất cả được minh chứng bằng một giấy xác nhận độc lập sẽ là con đường chúng ta phải đi. Nếu có thể, xây dựng vài câu chuyện về xuất xứ của các sản phẩm địa phương gắn với con người ở đấy. Nên nhớ “Người Australia muốn mua toàn bộ câu chuyện, không chỉ mỗi thức ăn”. Muốn thực sự hiểu thị trường, các nhà cung cấp nên đi thăm và dành thời gian để hiểu người tiêu dùng nghĩ gì và tìm giải pháp phù hợp cho hệ thống bán buôn và bán lẻ. Thiếu các kiến thức này, các nhà cung cấp sẽ gặp khó khăn trong chuỗi cung ứng.
Nhưng thành công thực sự cho Việt Nam sẽ là việc cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao hơn là chỉ đơn giản cung cấp các nguyên liệu thô và chủng loại hàng rẻ tiền. Việc này sẽ giúp nâng tầm thương hiệu Việt Nam, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm rẻ tiền mà người Australia thường quan niệm hàng rẻ tiền là hàng có chất lượng không tốt.
Nguồn: Vasep