Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết sáng 10/1/2012 đã nhận được thư cảnh báo của khách hàng Mỹ.
Theo đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (US FDA) sắp có biện pháp kiểm tra tăng cường hoạt chất Enrofloxacin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên nhân do tôm Việt Nam bị kiểm tra tần suất cao tại Nhật Bản và nhiều lô hàng bị phát hiện có chất kháng sinh trên vượt quá ngưỡng cho phép.
Nếu sự việc này xảy ra, thiệt hại cho tôm Việt Nam sẽ rất lớn vì Mỹ và Nhật Bản tiêu thụ hơn 50% tôm Việt Nam.
Trong khi đó, hiện nay, người nuôi tôm tại ĐBSCL sử dụng thuốc có chứa hoạt chất này rất phổ biến, nhất là trong khu vực nuôi tôm nhỏ lẻ, khu vực chiếm đại đa số ao tôm.
Năm 2011, có 57 lô tôm Việt Nam bị cảnh báo và trả về từ Nhật Bản do phát hiện có chứa Enrofloxacin vượt ngưỡng cho phép 10ppb. Con số trên chưa bao gồm các lô hàng đến cảng Nhật Bản nhưng không cảnh báo trên hệ thống cảnh báo sau khi kiểm tra mẫu thử tại các phòng thí nghiệm tư nhân Nhật Bản và bên mua hàng kiên quyết từ chối đơn hàng do phát hiện hoạt chất trên.
Sóc Trăng là địa phương có nhiều lô hàng tôm xuất khẩu bị trả về nhất, ước tính thiệt hại lên tới hàng chục triệu USD.
Ông Hồ Quốc Lực gửi thông báo trên qua bức Thư thỉnh nguyện đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng và Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vasep