Mới đây, các nhà sản xuất cao su của Ấn Độ đã đề nghị Chính phủ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc tăng thuế nhập khẩu mặt hàng này.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng năm 2014 chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Nam Á, Tây Á và châu Phi. Những loại sản phẩm xuất khẩu này ít phải đối diện với các biện pháp tự vệ thương mại từ các quốc gia trong khu vực trên. Vì đây là những mặt hàng mà nước nhập khẩu không có điều kiện để sản xuất hoặc sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu ( Tây Á và Ai Cập là thị thường nhập khẩu chính về thủy hải sản; Châu Phi nhập khẩu gạo…).
Riêng đối với cao su tự nhiên xuất khẩu, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cho rằng mặt hàng này hiện đang có nguy cơ cao bị phía Ấn Độ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Là quốc gia trồng nhiều cao su nhưng Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam để đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước. Năm 2013, Việt Nam Việt Nam đã xuất khẩu cao su tự nhiên sang Ấn Độ với trị giá 225 triệu USD, chiếm 25% tổng kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên của nước này.
Mới đây, các nhà sản xuất cao su của Ấn Độ đã đề nghị Chính phủ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc tăng thuế nhập khẩu cao su.
Trước tình hình trên, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á khuyến nghị các doanh nghiệp đang sản xuất, xuất khẩu cao su và các loại nông lâm thủy sản khác nói chung cần thường xuyên cập nhập thông tin về chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, chi phí nhân công … để giảm thiểu nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ những nước nhập khẩu.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ).Thống kê từ Cục Quản lý Cạnh tranh, tính đến hết tháng 10/2014, con số các vụ kiện đã lên đến 80 vụ, trong đó doanh nghiệp Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá chiếm đến 47 vụ.
Nguồn: doanhnghiepvn.vn
Nguồn:Báo doanh nghiệp