menu search
Đóng menu
Đóng

Chủ động thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu và giải pháp thực hiện năm 2009

14:18 16/10/2008
Tại Hội nghị giao ban xuất nhập khẩu (XNK) diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: kim ngạch XNK 9 tháng của năm 2008 đều tăng cao, trong đó xuất khẩu (XK) đạt 48,56 tỷ USD, tăng 39%; NK đạt 64,1 tỷ USD, tăng 47,6% so cùng kỳ năm 2007.Để đạt những mục tiêu XNK trước tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động và diễn biến phức tạp, hội nghị đã nêu một số giải pháp cần triển khai trong thời gian tới.

Kim ngạch XK của hầu hết mặt hàng từ đầu năm 2008 đến nay đều tăng cao so cùng kỳ năm trước. Đến nay đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD là: dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản, gạo, sản phẩm gỗ, điện tử và linh kiện máy tính, cà phê, cao su, than đá. Kim ngạch XK tăng nhưng thiếu bền vững vì giá một số mặt hàng XK tăng liên tục trong 7 tháng của năm nay.

Trước tình trạng nhập siêu tăng cao, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đã phân tích tình hình thuận lợi, khó khăn, những biến động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính có tính toàn cầu ảnh hưởng đến hoạt động XNK của Việt Nam và đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh XK, thu hẹp khoảng cách giữa XK – NK, hạn chế nhập siêu.

Hội nghị nêu rõ: trong 3 tháng còn lại của năm 2008, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động XNK cần:

+ theo dõi sát sao và có biện pháp phòng ngừa, đối phó phù hợp trước tình hình khủng hoảng tài chính của Hoa Kỳ và thế giới;

+chú trọng hơn nữa việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng hàng XK;

+tiếp tục mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị.

Các đơn vị hoạt động xuất nhập khẩu nâng cao hiệu quả công tác thông tin dự báo, cảnh báo, phát hiện kịp thời và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ buôn bán quốc tế, đẩy mạnh XK dịch vụ, tăng nguồn thu ngoại tệ; thực hiện đa dạng hóa thị trường XK, giảm sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống và mở ra những thị trường XK mới. Hội nghị cũng kiến nghị Bộ Công Thương và các ngành chức năng kịp thời giải quyết những vướng mắc của DN về thủ tục hành chính, hải quan liên quan đến hoạt động XNK. Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng, cùng tháo gỡ khó khăn cho DN đẩy mạnh XK trong những tháng cuối năm và thời gian tiếp theo.

Theo Bộ Công Thương, năm 2009 XK đạt mức tăng trưởng cao là rất khó thực hiện; dự kiến mức tăng trưởng XK đạt xấp xỉ ở mức trên dưới 10% so với năm 2008. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển sản xuất, đẩy mạnh XK là cấp thiết, Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK năm 2009 đạt mức 18%.

Để đạt những mục tiêu XNK trước tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động và diễn biến phức tạp, hội nghị đã nêu một số giải pháp cần triển khai trong thời gian tới. Trước hết, Nhà nước cần nới lỏng chính sách tiền tệ đối với các hoạt động cho vay đầu tư sản xuất, NK nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất XK. Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét cắt giảm lãi suất cho vay, xem đây là biện pháp hữu hiệu để kích cầu và thúc đẩy sản xuất; tăng cường công tác quản lý thị trường nội địa, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ gây biến động giá; đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tập trung xúc tiến cho từng mặt hàng, từng thị trường, chú trọng các thị trường mới, cón nhiều tiềm năng, như: Nga, châu Phi, Trung Đông...

Cũng theo các đại biểu, Nhà nước cần tiếp tục kiểm soát nhập khẩu (NK) theo từng nhóm hàng, quản lý NK theo giấy phép tự động đối với nhóm hàng cần hạn chế NK.; tiếp tục các biện pháp bình ổn thị trường, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản của nền kinh tế. Đặc biệt, Nhà nước cần quan tâm nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, trước những biến động khó lường trên thị trường thế giới để chủ động và kịp thời có những giải pháp ứng phó hữu hiệu; thúc đẩy, vận động tiêu chuẩn hóa và công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác thương mại nước ngoài về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống kiểm dịch, nhằm tránh các thiệt hại do hàng rào bảo hộ của các nước gây ra cho hàng XK Việt Nam.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam