EU là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, đạt 90,08% kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực thị trường châu Âu.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU là các sản phẩm truyền thống có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép...
Trong vòng 12 năm từ 2001-2013, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) đã tăng hơn 7 lần, từ mức 4,5 tỷ USD năm 2001 lên 33,7 tỷ USD năm 2013. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 8 lần và nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 6,2 lần.
Đối tác quan trọng của Việt Nam trên thế giới
Năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 16,3 tỷ USD, vượt mức kim ngạch định hướng trong quan hệ thương mại giữa hai bên trong năm 2010 theo Đề án tổng thể và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển quan hệ giữa Việt Nam và EU từ 2006-2010 và định hướng 2015 (Đề án của Chính phủ đặt mục tiêu kim ngạch song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2010), tức là hoàn thành kế hoạch trước 2 năm.
Năm 2011, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục suy thoái, khủng hoảng kinh tế bùng nổ tại một số nước thành viên châu Âu, nhưng quan hệ thương mại hai chiều vẫn có nét khởi sắc. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-EU vẫn đạt 24,292 tỷ USD, tăng 36,88% so với năm 2010, hoàn thành vượt mức kim ngạch định hướng Chính phủ giao năm 2011. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 16,55 tỷ USD, tăng 45,32%, nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 7,75 tỷ USD, tăng 21,79% so với năm 2010.
Năm 2012 đánh dấu mốc EU vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 29,09 tỷ USD, tăng 19,77%. Trong đó xuất khẩu đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,71%, nhập khẩu đạt 8,79 tỷ USD, tăng 13,48% so với năm 2011.
Năm 2013 EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-EU đã đạt trên 33,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2012, trong đó xuất khẩu đạt 24,3 tỷ USD tăng 19%, nhập khẩu đạt trên 9,4 tỷ USD tăng 7,5%.
Trong số các nước EU, Đức, Anh, Pháp và Hà Lan luôn là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 20%/năm. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu vào Đức đạt trên 7 tỷ USD (tăng 18% so với năm 2012), Anh 4,2 tỷ USD (tăng 19%), Hà Lan đạt 3,6 tỷ USD (tăng 13%), Pháp đạt 3,2 tỷ USD (giảm 14%), Italy đạt 1,87 tỷ USD (tăng 22,3%), Tây Ban Nha đạt 1,79 tỷ USD (tăng 15,3%).
Các nước Thụy Điển, Áo, Ireland, Bồ Đào Nha là những thị trường nhỏ hơn cùng sức tiêu thụ hàng hoá thấp nên kim ngạch xuất khẩu gần như không đáng kể, các nước còn lại kim ngạch đều chỉ ở mức khiêm tốn.
Trong các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU, xe đạp Việt Nam bị EU áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này thường giảm, năm 2009 giảm mạnh còn khoảng 1 triệu USD. Từ ngày 15/7/2010, xe đạp của Việt Nam xuất khẩu vào EU đã không còn phải chịu thuế chống bán phá giá.
Ngoài xe đạp, giày mũ da của Việt Nam xuất sang EU cũng bị áp thuế chống bán phá giá, với mức thuế 10% từ tháng 9/2006. Tuy nhiên, kể từ 31/3/2011, thuế chống bán phá giá của EU đối với giày mũ da Việt Nam đã chính thức chấm dứt.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2013 vẫn là các sản phẩm truyền thống có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép các loại, cà phê, hải sản, máy vi tính. Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện mới bắt đầu được xuất khẩu từ năm 2011 có kim ngạch đạt trên 6 tỷ USD. Các nhóm mặt hàng này chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Một số mặt hàng khác có kim ngạch không lớn nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng đều (khoảng từ 5-10%/năm) gồm: sản phẩm từ chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ, túi xách-vali-ô dù, hạt tiêu, hạt điều ...
Việt Nam nhập khẩu từ hầu hết các nước thành viên EU. Trong năm 2014, những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được hoặc còn thiếu như máy móc-thiết bị-dụng cụ, dược phẩm, sữa và sản phẩm từ sữa.
Chuyến thăm EU của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (từ 13-18/10) nhằm trao đổi phương hướng hợp tác Việt Nam-EU trong thời gian tới; thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và thảo luận về việc tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN-EU.
Kỳ vọng bước chuyển vị thế quan hệ Việt Nam-EU
Việc ký kết Hiệp định FTA với EU có giá trị về mặt chiến lược và dài hạn vì EU là thị trường lớn gồm 27 nước, diện tích khoảng 4 triệu km2 và 490 triệu dân có thu nhập cao. GDP đạt gần 14.960 tỷ USD, chiếm 27% GDP thế giới. Tổng kim ngạch ngoại thương gần 2.800 tỷ USD, chiếm gần 25% thương mại toàn cầu. Nếu tính cả mậu dịch nội khối thì tổng kim ngạch mậu dịch đạt 5.092 tỷ chiếm 45% thị phần thế giới. EU đứng đầu thế giới về xuất khẩu dịch vụ chiếm 43,8% thị phầm thế giới gấp 2,5 lần Mỹ và chiếm 42,7 nhập khẩu dịch vụ thế giới. Đầu tư ra nước ngoài chiếm 47% FDI toàn cầu và nhận 20% đầu tư từ bên ngoài.
Về cơ cấu, hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, da, hoá chất và các sản phẩm hoá chất, dược phẩm, sắt thép và phân bón. Việc ký kết FTA sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được công nghệ cao, hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến của EU.
Với thế mạnh về dịch vụ, khả năng EU tăng cường đầu tư dịch vụ tại Việt Nam là rất lớn, có thể giúp ta có khu vực dịch vụ chất lượng. Nhất là hiện nay, ngành dịch vụ chất lượng tốt được xem là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng.
Hơn thế, ta có thể tranh thủ đề nghị EU với tư cách đối tác, ta đã đáp ứng các yêu cầu mở cửa thị trường của EU về mức độ nào đó tương đương với EU thì EU có thể công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, giúp Việt Nam có cơ hội công bằng trong các cuộc điều tra chống bán phá giá mà EU có thể áp dụng sau khi FTA có hiệu lực.
Nếu ký FTA song phương với EU, Việt Nam đã chuyển vị thế từ quan hệ hỗ trợ (EU đơn phương dành ưu đãi thuế quan cho Việt Nam và có thể loại bỏ ưu đãi này theo quy chế riêng mà không cần tham vấn với Việt Nam như đã làm với hàng hoá thuộc mục XII của Việt Nam xuất khẩu vào EU) sang quan hệ đối tác bình đẳng (có đi-có lại). Vì vậy uy tín trong quan hệ hai bên sẽ thay đổi tích cực.
Nguồn: Chính phủ
Nguồn:Tin tham khảo