Theo nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lí Kinh tế Trung ương, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được coi là cơ hội lớn cho XK, thu hút FDI. Đặc biệt với vai trò là thành viên TPP, Nhật Bản sẽ phải mở cửa thị trường nông sản, sẽ đầu vào Việt Nam để sản xuất nông sản xuất lại sang Nhật và sang nước thứ 3.
Tuy nhiên ở trước ngưỡng cửa của TPP, nông dân và nông nghiệp Việt Nam lại đang gặp khó khăn. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đã giảm dần từ 3,3% trong giai đoạn 2006 -2010 xuống còn 2,81% trong năm 2013.
Lần đầu tiên sau nhiều năm phát triển tốt, nông nghiệp, nông dân gặp khó, tồn kho nông nghiệp tăng cao, đầu tư cho nông nghiệp giảm sút. Cho đến nay, đầu tư vào nông nghiệp mới chỉ tập trung vào thủy lợi, ít đầu tư vào công đoạn sau thu hoạch, chế biến, thua lỗ kéo dài không ít nông dân nuôi thủy sản, chăn nuôi bị vỡ nợ, phá sản, nông dân 22/63 tỉnh thành bỏ ruộng.
Cùng chung quan điểm như trên, ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam mặc dù đã có chiến lược phát triển đúng đắn tuy nhiên vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Loại trừ sản phẩm lúa gạo, thủy sản đang gặp thuận lợi, các thực phẩm xuất phát từ gia súc vẫn chưa thâm nhập được vào các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ.
Do vậy, khi Việt Nam gia nhập TPP, ngành thịt gia súc phải thay đổi để cạnh tranh. Cụ thể như phải thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất và nhận thức để phát triển thì mới có thể mang lại hiệu quả. Đây không chỉ là lợi thế để thâm nhập thị trường, nâng cao tỉ trọng xuất khẩu, nâng cao kim ngạch mà còn là cơ hội để thay đổi chính mình nếu không muốn đứng ngoài cuộc.
Theo ông Văn Đức Mười, Hiệp định TPP sẽ đặc biệt chú ý tới xuất xứ nguồn nguyên liệu, bản quyền, trách nhiệm xã hội trong sử dụng lao động… Trong đó, đối với ngành dệt may TPP đặt ra qui định về qui tắc xuất xứ đối với hàng dệt may của các nước thành viên để được hưởng thuế suất 0%, đó là “từ sợi trở đi”, và đối với thủy sản, và các sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ có những yêu cầu gắt gao về truy xuất nguồn gốc.
Là một trong những ngành được ưu tiên trong các vòng đàm phán TPP, dệt may được coi là ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam gia nhập TPP. Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho đến thời điểm này tỉ trọng nguyên liệu đảm bảo xuất xứ theo quy định của TPP trong ngành dệt may còn rất thấp. Do vậy, phần lớn các DN trong ngành khó tận dụng được lợi thế này.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 86% kim ngạch XK sản phẩm dệt may của Việt Nam tập trung tại thị trường các nước TPP nhưng tỉ trọng được hưởng ưu đãi thuế theo cam kết của TPP trong ngành dệt may là rất nhỏ.
Nguyên nhân là do ngành dệt may vẫn chưa chủ động được về nguồn nguyên, phụ liệu. Hiện các doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được 5% về bông và 50% về xơ cho ngành dệt may. Ngành sản xuất sợi và nhuôm cũng chưa đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu sản xuất hàng XK.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trước dự báo các nhà sản xuất sẽ vào Việt Nam để sản xuất hàng hóa XK vào thị trường khối TPP với xu hướng từ thị trường này chiếm lĩnh thị trường kia. Cho nên điều mà các DN Việt Nam phải làm là làm sao nâng cao hơn nữa hàm lượng giá trị gia tăng của các ngành nghề, đồng thời tìm ra điểm riêng để nâng cao sức cạnh tranh chinh phục thị trường nội địa và quốc tế.
Đầu tư cho chất lượng và sản phẩm là điều tiên quyết trong cạnh tranh, dù TPP có được hiện thực hóa hay không thì DN vẫn phải đầu tư cho chất lượng. So với 11 nước tham gia TPP, Việt Nam đang còn rất hạn chế về năng lực cạnh tranh, ngay cả so với 4 nước trong ASEAN, sức cạnh tranh của chúng ta cũng còn rất yếu. Do vậy, Việt Nam nên có sự chuẩn bị cho phương án đối phó với những khó khăn và ngặt nghèo nhất khi tham gia TPP…
Chiếm gần 40% GDP và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được coi là cơ hội vàng cho Việt Nam trong những năm tới đây. Theo đánh giá của các chuyên gia, đến năm 2025 GDP của Việt Nam có thể đạt được mức 10,5% và dự kiến XK sẽ đạt mốc 307 tỉ USD, tăng trên 28% so với mức 239 tỉ USD nếu không có TPP. Tuy nhiên, với tiềm lực hiện tại, nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam khó có thể khai thác được lợi thế từ TPP.
(HQ)
Nguồn:Hải quan Việt Nam