menu search
Đóng menu
Đóng

Đẩy mạnh xuất khẩu ngành dệt may và da giày

13:41 21/01/2009
Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2009, cả hai ngành dệt may và da giày đều đứng trước khó khăn thị trường xuất khẩu ngày càng bị thu hẹp do sức mua tại các nước nhập khẩu tiếp tục giảm mạnh. Việc Mỹ giám sát hàng dệt may vẫn còn nguy cơ được áp đặt trở lại. Vụ kiện chống phá giá với giày mũ da tại thị trường EU chưa được giải quyết đã ảnh hưởng lớn xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam... Tại hội nghị giao ban trực tuyến về sản xuất-xuất khẩu 2009 với các doanh nghiệp dệt may, da giày tại 3 đầu cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh ngày 20/1, Phó Thủ tướng khẳng định: trách nhiệm vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp dệt may, da giày trong giai đoạn khó khăn này là phải duy trì sản xuất, giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng được mục tiêu của Chính phủ đề ra.

          Hầu hết các doanh nghiệp dệt may, da giày tham gia hội nghị đều bộc lộ sự lo lắng về việc hoàn thành kế hoạch xuất khẩu gần 15 tỷ USD trong năm 2009. Tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) bày tỏ: quý 1/2009, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới đã khiến chỉ một số ít doanh nghiệp có thương hiệu và mối quan hệ truyền thống với các nhà nhập khẩu lớn như May 10, May Việt Tiến, Nhà Bè, Bình Minh... có thể thu xếp đơn hàng để sản xuất đến tháng 4/2009, còn lại hầu hết các doanh nghiệp khác, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI đã không thu xếp đủ đơn hàng sản xuất ngay cả cho quý 1.
          Một số doanh nghiệp đã tự cố gắng duy trì tối đa thị trường truyền thống như Mỹ và EU; tận dụng Hiệp định EPA để đẩy mạnh thị trường Nhật Bản; xúc tiến nhanh các thị trường xuất khẩu mới như ASEAN, Đông Âu, Châu Phi, Nam và Trung Mỹ.... Vitas đang cùng với các doanh nghiệp lớn tổ chức các chuỗi liên kết có cùng đẳng cấp để phát huy lợi thế cạnh tranh, cùng chia sẻ đơn hàng và lao động. Bên cạnh đó, tiếp cận mạnh hơn thị trường nội địa là hướng đi của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam trong khi hầu hết các doanh nghiệp FDI thiếu khả năng này do trước đây tập trung hết cho xuất khẩu theo đơn đặt hàng của công ty mẹ.

          Nhận thức được vấn đề thị trường nội địa không mạnh bằng ngành dệt may, năm 2009, Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso) đang khuyến khích các doanh nghiệp tập trung làm chủ thị trường này song song với thiết lập kênh phân phối nội địa, đặc biệt phát triển các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất giày nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh ngành sản xuất giày Việt Nam tại các hội chợ, triển lãm quốc tế.... Lefaso cũng đưa ra giải pháp như doanh nghiệp có đơn hàng làm không hết dành cho các doanh nghiệp không có đơn hàng; xây dựng chuỗi liên kết các nhà sản xuất với nhau... với mục đích là làm sao tạo được việc làm cho người lao động.
         
          Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thị trường Nga sẽ là thị trường trọng điểm về xúc tiến thương mại của năm 2009. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp tự chủ động thành lập các đoàn nhỏ đi xúc tiến thương mại thì nên khuyến khích hỗ trợ những đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mua hàng như thế sẽ hiệu quả hơn nhiều. "Việc thành lập các hội nghị về ngành hàng xuất khẩu ngay tại Việt Nam cũng rất hiệu quả".
         

Nguồn:Vinanet