menu search
Đóng menu
Đóng

Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nga

14:11 28/10/2008
Theo tống kê của Tổng cục Hải quan và Vụ Thị trường Châu Âu, trong 9 tháng đầu năm 2008, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã được xuất mạnh sang Nga như hải sản xuất khẩu đạt 176,427 triệu USD; dệt may đạt 69,352 triệu USD; cao su đạt 33,869 triệu USD....

Trong những năm gần đây, tốc độ xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường Nga đã tăng đáng kể và Nga đang được xem là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Số liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu thương mại và Vụ Chính sách thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho thấy, nếu như năm 2005, Việt Nam xuất khẩu vào Nga 250 triệu USD và nhập khẩu 820 triệu USD từ thị trường này, thì năm 2006 con số tương ứng là 413 triệu USD và 455 triệu USD; năm 2007 là 458 triệu USD và 552 triệu USD. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2008, Việt Nam đã xuất khẩu sang Nga 512,16 triệu USD hàng hoá và nhập khẩu từ thị trường này 815,64 triệu USD.

Theo tống kê của Tổng cục Hải quan và Vụ Thị trường Châu Âu, trong 9 tháng đầu năm 2008, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã được xuất mạnh sang Nga như hải sản xuất khẩu đạt 176,427 triệu USD; dệt may đạt 69,352 triệu USD; cao su đạt 33,869 triệu USD; hạt điều 32,966 triệu USD, rau quả 30,107 triệu USD; cà phê 27,739 triệu USD;  giày dép 27,396 triệu USD; mỳ ăn liền 19,426 triệu USD.... và nhập khẩu từ Nga 815,644 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng như sắt thép (398,366 triệu USD), phân bón (148,790 triệu USD), máy móc thiết bị (99,779 triệu USD), xăng dầu (42,253 triệu USD)....

Bộ Công Thương đánh giá, Nga là thị trường xuất khẩu truyền thống đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam, với các sản phẩm mà Việt Nam đang có thế mạnh như gạo, giày dép, thuỷ sản, hạt tiêu, mỳ ăn liền, hạt điều... Dự kiến, các mặt hàng này sẽ góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 730 triệu USD trong năm 2008.

Để khai thác hiệu quả thị trường Nga, Viện Nghiên cứu thương mại khuyến cáo, doanh nghiệp nên quan tâm tới đặc tính của thị trường, đặc biệt là vùng Viễn Đông và Xibêri (hàng hoá của các quốc gia khác chưa xuất hiện nhiều tại đây và Việt Nam có khoảng cách địa lý khá thuận lợi khi vận chuyển hàng tới khu vực này). Ngoài ra, doanh nghiệp nên bám sát những thay đổi trong chính sách thương mại và hàng hoá của Nga. Chẳng hạn để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, Chính phủ Nga đang xem xét khả năng tăng thuế nhập khẩu sản phẩm thịt ngoại hạn ngạch hay như với thị trường rau quả đông lạnh, hiện Nga mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu (năm 2006, mức tiêu thụ rau quả của Nga là 365 triệu USD, trong khi đó Việt Nam mới xuất được 30 triệu USD)...

Một cách tiếp cân khác cũng được các chuyên gia đưa ra là, doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng tối đa sự hậu thuẫn từ cộng đồng người Việt Nam làm việc, học tập và sinh sống tại Nga, để phát huy thế mạnh hàng hoá của mình tại thị trường này.

Nguồn:Vinanet