menu search
Đóng menu
Đóng

Kết quả xuất khẩu gạo 11 tháng và định hướng tháng 12/2013

15:59 24/12/2013
Theo Thông báo kết luận của Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam tại cuộc họp Ban Chấp hành, đánh giá tình hình xuất khẩu gạo tháng 11/2013 và 11 tháng có những nội dung đáng chú ý sau:

Theo Thông báo kết luận của Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam tại cuộc họp Ban Chấp hành, đánh giá tình hình xuất khẩu gạo tháng 11/2013 và 11 tháng có những nội dung đáng chú ý sau:

        Xuất khẩu tháng 11/2013 được 410.423 tấn (so với kế hoạch đề ra là không đạt và thấp hơn tháng 10/2013 gần 130.000 tấn), trị giá FOB là 181,694 triệu USD, trị giá CIF là 201,753 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân đạt 442,7 USD/tấn. Giao hàng sang thị trường Trung Quốc và châu Phi đều giảm so với tháng trước. Xuất khẩu giảm liên tiếp trong 5 tháng qua (từ tháng 7 – 10/2013) dẫn đến lũy kế xuất khẩu 11 tháng cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2012.

        Tính từ đầu năm đến ngày 30/11/2013 đã xuất khẩu được 6,143 triệu tấn gạo các loại, trị giá FOB 2,647 tỷ USD, trị giá CIF 2,755 tỷ USD và đơn giá FOB bình quân đạt 430,89 USD/tấn; so với cùng kỳ năm 2012 giảm 13,37% về số lượng, giảm 16,19% về trị giá FOB và giảm 15,07% về trị giá CIF, đơn giá bình quân giảm 14,53 USD/tấn. Trong đó xuất theo hợp đồng tập trung chỉ chiếm 12,68% và xuất theo hợp đồng thương mại chiếm đến 87,32%.

        Xét về thị trường xuất khẩu trong 11 tháng qua gồm có: châu Á chiếm 58,82% nhưng giảm 26,71% so với cùng kỳ năm 2012; châu Phi chiếm 29,09% và tăng 9,33%; châu Mỹ chiếm 7,02% và tăng 37,66%; châu Âu chiếm 3,48% và tăng 146,26%; còn lại là các khu vực thị trường khác. Các quốc gia nhập khẩu chính gồm: Trung Quốc tăng 15,44% so với cùng kỳ năm 2012; các quốc gia châu Phi tăng 9,33%; Cuba tăng 7,55%; Philippines giảm 66,5%; Malaysia giảm 34,74%; Hong Kong giảm 31,31%.

        Về chất lượng gạo xuất khẩu cho thấy, gạo trắng cao cấp chiếm 35,84% nhưng giảm 34,53% so với cùng kỳ năm 2012; loại gạo trung bình chiếm 20,71% và giảm 16,55%; loại cấp thấp chiếm 16,08% và tăng 13,84%; tấm chiếm 4,76%; gạo thơm chiếm 14,03% và tăng 71,50%; nếp chiếm 6,22%; gạo đồ chiếm 1,66%; gạo lứt chiếm 0,38% và lúa chiếm 0,33%.

        Giá gạo xuất khẩu giao dịch trong tháng 11/2013 tăng đáng kể và biến động tăng khoảng 25 USD/tấn, loại gạo 5% tấm tăng lên mức giá khoảng 390 – 415 USD/tấn, chủ yếu là do giá trong nước tăng vì cung cấp hạn chế và ảnh hưởng của hợp đồng 500.000 tấn đã ký với Philippines. Giá gạo giao dịch có xu hướng ổn định ở mức giá hiện nay là 420 USD/tấn đối với loại gạo 5% tấm trước khi bước vào thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2013 – 2014. Giá xuất khẩu bình quân trong 11 tháng năm 2013 đã giảm khoảng 14,53 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012.

        Hợp đồng xuất khẩu khẩu gạo đăng ký trong tháng 11/2013 tăng vượt mức trung bình và cao hơn đáng kể so với tháng 10/2013, chủ yếu là do ký được hợp đồng 500.000 tấn với Philippines. Hợp đồng ký mới với thị trường Trung Quốc giảm mạnh và đối với thị trường châu Phi hầu như là không có phát sinh mới. Tính chung 11 tháng năm 2013 số lượng hợp đồng đăng ký đã tăng trở lại và cao hơn so với cùng kỳ năm 2012.

        Đánh giá chung về tình hình thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu áp lực bán hạ giá của Thái Lan và thu hoạch mới bắt đầu từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á nhưng đã phát sinh nhân tố mới do cơn bão Haiyan tàn phá miền Trung của Philippines, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cung cấp gạo ở nước này. Philippines phải nhập khẩu gấp để bù đắp kho dự trữ bị thiệt hại do cơn bão gây ra.

        Đối với Thái Lan, tình hình ngày càng xấu hơn, giá giảm liên tiếp do đồng Baht yếu và thiếu nhu cầu mới, ngoại trừ gạo đồ có nhu cầu từ thị trường Nigeria và Chính phủ thông báo đã bán 300.000/450.000 tấn gạo trong đợt thầu thứ 6 ngày 19/11/2013. Tuy nhiên, vấn đề lớn ở Thái Lan hiện nay là tình hình bất ổn về chính trị với biểu tình phản đối dự luật ân xá, yêu cầu thay đổi Chính phủ và phản đối của nông dân chưa được thanh toán từ chương trình cam kết mới từ tháng 10/2013.

        Ấn Độ xuất khẩu vẫn tăng do nhu cầu ổn định và giá cạnh tranh từ gạo đồ, gạo tấm, ngoài ra Chính phủ tiếp tục chương trình thu mua để bảo đảm tồn kho  đệm nên giá ổn định mặc cho đồng Rupi đang mất giá so với đồng USD. Dự báo sản lượng vụ mùa năm 2013 – 2014 sẽ giảm từ 108 triệu tấn xuống còn 100 triệu tấn hoặc có thể thấp hơn do tình trạng khô hạn ở phía Đông, Đông Bắc, nhất là 3 cơn lốc xoáy liên tiếp vừa qua có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo năm 2014, nhưng vẫn là nguồn xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.

        Hiện nay Pakistan là nguồn cung cấp gạo giá rẻ nhất với thu hoạch mới, nhưng cũng tạm thời, chưa phải là nguồn cung cấp chi phối thị trường thường xuyên như Thái Lan và Ấn Độ.

        Myanmar cũng là nguồn cạnh tranh gạo cấp thấp giá rẻ nhưng số lượng xuất khẩu còn hạn chế.

        Philippines bị cơn bão Haiyan tàn phá nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến 1/3 diện tích sản xuất gạo và phá hủy nhiều phương tiện, kho hàng khi cơn bão đi qua. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và bù đắp tồn kho đệm bị thiệt hại do cơn bão gây ra, Philippines đã tổ chức đấu thầu mua khẩn cấp 500.000 tấn gạo, giao hàng từ tháng 12/2013 đến tháng 3/2014. Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc dự báo Philippines sẽ nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2014 sau khi 32% vụ mùa bị ảnh hưởng của cơn bão Haiyan.

        Mặc dù có yếu tố mới phát sinh nhưng xu hướng thị trường sẽ không có sự thay đổi nhiều, áp lực lớn nhất trong thời gian tới vẫn là tình hình tồn kho và bán hạ giá của Thái Lan. Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan hiện nay ở mức 395 USD/tấn và có thể tiếp tục giảm để giải quyết tồn kho, nhất là gạo cũ. Giá gạo Thái Lan sẽ định hình giá gạo ở các nguồn cung cấp khác, làm suy yếu thị trường. Nhập khẩu thêm của Philippines chỉ củng cố thị trường trước mắt, nhu cầu từ các thị trường khác không cân đối được cung cấp thừa nếu như không có thêm nhân tố mới.

        Việt Nam xuất khẩu giảm liên tiếp trong 5 tháng qua do thiếu nhu cầu từ các thị trường truyền thống ở Đông Nam Á. Xuất khẩu tăng từ Trung Quốc và châu Phi không bù đắp được sự sụt giảm ở khu vực này. Điểm sáng cuối năm là trúng thầu Philippines 500.000 tấn – hợp đồng có ý nghĩa lớn vì sẽ giải quyết tồn kho hiện còn trong doanh nghiệp và chuẩn bị tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân 2013 – 2014, nhưng cũng có tác động tăng giá lúa gạo trong nước vì nguồn cung cấp hạn chế, lúa gạo hàng hóa không còn nhiều. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay cao hơn giá gạo Thái Lan từ 20 – 25 USD/tấn và cao nhất giữa các nguồn cung cấp ở khu vực châu Á, đây là một trường hợp ngoại lệ, tạm thời do giá trong nước tăng cao.

        Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình cân đối xuất khẩu tiếp tục sụt giảm so với dự kiến tháng trước do không còn lúa gạo hàng hóa và tồn kho xuống thấp. Xuất khẩu gạo qua biên giới Trung Quốc chiếm số lượng lớn nếu so với cân đối gạo hàng hóa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 8,7 triệu tấn và xuất khẩu gạo năm 2013 chỉ có thể đạt mức 6,6 triệu tấn.

        Định hướng điều hành trong thời gian tới, Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ tập trung thực hiện kế hoạch tháng 12/2013 và chuẩn bị cho quý I/2014, nhất là thực hiện hợp đồng 500.000 tấn đã ký với Philippines. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, chuẩn bị thị trường cho năm 2014, nhất là các thị trường mới thâm nhập để củng cố và mở rộng. Riêng thị trường Trung Quốc cần có chương trình cụ thể để bảo đảm cân đối xuất khẩu trong quý I/2013. 

        Văn phòng Hiệp hội cập nhật báo cáo tồn kho của các doanh nghiệp để Ban Kiểm soát tiến hành kiểm tra và xác định tồn kho thực tế. Văn phòng Hiệp hội rà soát lại các hợp đồng đã đăng ký và khả năng thực hiện để cân đối xuất khẩu quý I/2014.

        Các doanh nghiệp tăng cường quản lý chất lượng gạo xuất khẩu, yêu cầu cơ quan giám định thực hiện kiểm tra nghiêm túc các chỉ tiêu chất lượng được yêu cầu trước khi cấp giấy chứng nhận để bảo đảm uy tín với khách hàng. Tổ chức hội nghị “Mô hình liên kết” sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với các bên liên quan để xác định vai trò và phân công thực hiện trong chuỗi liên kết tạo sự phối hợp đồng bộ và nhất quán trong quá trình liên kết.

        Hiệp hội Lương thực Việt Nam thống nhất thành lập Công ty cổ phần Giống và Kỹ thuật nông nghiệp do Hiệp hội chủ trì để thực hiện chương trình nghiên cứu, phát triển và cung cấp giống cho các mô hình liên kết, bảo đảm chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường. Chọn các loại giống thích hợp để phát triển, phục hồi và thống nhất chất lượng giống lúa Jasmine 85, thống nhất tên gọi Jasmine Việt Nam để xây dựng nhãn hiệu.

        Hội nghị Ban Chấp hành lần này cũng đã thống nhất kết nạp 02 hội viên mới gồm: Công ty TNHH Thành Phát – Long An (Hội viên chính thức) và Công ty TNHH Bureau Veritas Vietnam (Hội viên liên kết)./.

(Nguồn: Báo Long An)

Nguồn:Tin tham khảo