Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm ước đạt 548.000 tấn, trị giá 989 triệu USD, giảm 9,8% khối lượng và 31,9% giá trị so cùng kỳ 2013.
Riêng tháng 8/2014, xuất khẩu cao su ước đạt 98.000 tấn, trị giá 166 triệu USD, giảm 3,9% khối lượng và giảm 4% giá trị so với tháng 7/2014.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2014 đạt 1.830 USD/tấn, giảm 24,96% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy Trung Quốc và Malaysia tiếp tục là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2014, song lại có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013, khi xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 182.395 tấn, trị giá 321,168 triệu USD, giảm 21,01% khối lượng và giảm 40,25% giá trị so với cùng kỳ 2013; xuất khẩu sang Malaysia đạt 88.510 tấn, trị giá 149,959 triệu USD, giảm 13,72% khối lượng và giảm 40,03% giá trị so với cùng kỳ 2013.
Do giá cao su thế giới liên tục giảm trong những năm gần đây do dư cung và nhằm hỗ trợ ngành cao su tháo gỡ khó khăn, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 111/2014/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng cao su thuộc nhóm 40.01, 40.02, 40.05 quy định tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC xuống 0%. Thuế suất hiện tại của các mặt hàng này là 1% và mức thuế suất mới sẽ áp dụng từ 2/10/2014.
Trước đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã gửi Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu cao su từ mức 1% xuống 0% đối với 3 mặt hàng cao su sơ chế (latex, cao su hỗn hợp, crepe) nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về giá so với các nước trong khu vực, khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, tạo bình đẳng trong sản xuất và xuất khẩu giữa các mặt hàng cao su.
VRA cũng cho biết, từ năm 2013 đến nay ngành cao su gặp nhiều khó khăn do giá cao su giảm mạnh. Hiện nay, giá cao su xuất khẩu dao động trong khoảng 36 - 41 triệu đồng/tấn, giảm đến 56% so với năm 2011 do nguồn cung thế giới vượt hơn nhu cầu làm lượng cao su tồn kho lên mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, dư thừa cao su không hẳn là tin xấu đối với tất cả mọi thành phần trong ngành cao su; giá thấp lại là tin tốt dối với ngành sản xuất lốp xe. VRA dự đoán nhu cầu cao su cho sản xuất lốp xe của Việt Nam năm nay tăng 5%. Năm 2014, nhu cầu lốp xe gắn máy sẽ đạt 33,96 triệu chiếc và sẽ tăng lên 35,66 triệu chiếc vào năm 2015. Tương tự, nhu cầu lốp xe ôtô năm 2014 sẽ đạt 5,05 triệu chiếc và tăng lên 5,34 triệu chiếc vào năm 2015.
Tính đến nay, Việt Nam có 830 doanh nghiệp hoạt động trong ngành lốp xe, gồm 30 doanh nghiệp sản xuất, 170 doanh nghiệp mua bán, 170 đơn vị xuất khẩu và 460 đơn vị nhập khẩu lốp xe. Trong đó, các đơn vị sản xuất lốp xe chủ lực của Việt Nam là Công ty CP Cao su Sao Vàng (SRC), Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) và Công ty Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM). Hiện nay, công nghiệp săm lốp là ngành tiêu thụ hơn nửa sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu. Nguồn cao su thiên nhiên dồi dào cộng với nhu cầu sử dụng các phương tiện vận chuyển gia tăng đã thu hút nhiều “đại gia” ngành săm lốp trên thế giới đến Việt Nam như Bridgestone, Kumho, Yokohama…
Nguồn:Các nguồn thông tin khác