menu search
Đóng menu
Đóng

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2009 giảm nhẹ

08:46 09/07/2009

Giống như nhiều ngành kinh tế khác, giai đoạn hiện tại ngành da giày cũng đang chịu ảnh hưởng lớn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh sản phẩm, thị trường tiêu thụ…đều đang gặp khó khăn. Theo số liệu thống kê mới nhất, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong tháng 5/2009 đạt trên 374,5 triệu USD, tăng 7,5% so với tháng 4 nhưng giảm 17,86% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 1,664 tỉ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 32,6% kế hoạch năm.
Trong bối cảnh xuất khẩu giày dép bị ảnh hưởng lớn từ suy thoái kinh tế và liên tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, không được hưởng GSP… dự báo từ nay đến cuối năm 2009, tình hình xuất khẩu giày dép khó được cải thiện và kế hoạch xuất khẩu 5 tỉ USD khó mà thực hiện được.
Hơn nữa, ngành da giày xuất khẩu hiện nay phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về sản xuất giày dép với sản lượng hàng năm khoảng 6 tỉ đôi (chiếm ½ tổng sản lượng của cả thế giới). Như vậy cuộc cạnh tranh giữa sản phẩm giày dép của 2 nước sẽ là cuộc cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Với ưu thế sản phẩm có giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, mặt hàng giày dép đã có một vì thế lớn trên thị trường quốc tế. Nhưng hiện nay, xuất khẩu hàng giày dép của nước này cũng sụt giảm. Theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu giày dép của nước này 4 tháng đầu năm đạt 8,35 tỉ USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 4 cũng chỉ tăng 3,8% so với tháng trước, đạt trên 2,06 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường lớn đều sụt giảm như sang Mỹ giảm 0,5%, sang Nhật Bản giảm 0,6%, sang Nga giảm 1,2%...
Hiện nay, xuất khẩu giày dép của Trung Quốc sang thị trường Mỹ phải đáp ứng những quy định chặt chẽ về độ an toàn sản phẩm. Theo đạo luật mới về an toàn sản phẩm tiêu dùng có 4 sửa đổi về quy định đối với giày dép trẻ em: giới hạn mức chì và phthalate ở giày dép trẻ em, có qua kiểm tra và xác nhận của bên thứ 3; quy định về nhãn mác trong sản phẩm và những hình phạt nếu vi phạm những quy định này. Xuất khẩu giày dép trẻ em của Trung Quốc sang Mỹ phải tuân thủ những quy định chặt chẽ trong đạo luật mới này. Kể từ khi áp dụng đạo luật sửa đổi này, đã có 2 trường hợp vi phạm liên quan tới giày dép Trung Quốc, do có khả năng gây hại sức khoẻ trẻ em. Tại EU, sản phẩm giày dép của Trung Quốc cũng vi phạm an toàn sức khoẻ. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này nhằm gia tăng thị phần giày dép tại các thị trường lớn trên.
Về thị trường xuất khẩu, trong tháng 5, xuất khẩu giày dép sang một số thị trường lớn vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao như xuất khẩu sang EU tăng 12,57% so với tháng 4 và là nhà nhập khẩu mặt hàng giày dép lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Mỹ, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 tuy giảm nhẹ so với tháng trước nhưng so với tháng 5/2008 vẫn tăng 4,8%. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giày dép sang Hoa Kỳ vẫn tăng 9,14%. Đây là tín hiệu khả quan trong bối cảnh suy thoái kinh tế Mỹ đang rất nặng nề. Xuất khẩu giày dép sang Nhật Bản tăng mạnh, tăng 82,9% so với tháng 4 và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu giày dép sang một số thị trường nhỏ vẫn tăng khá so với tháng trước như sang Panama tăng 54,8%, sang Hàn Quốc tăng 24,5%, sang Australia tăng 25,18%, sang Thuỵ Sĩ tăng 15%...
Nhìn chung, kim ngạch giày dép sang nhiều thị trường trong 5 tháng đầu năm có sự sụt giảm mạnh như EU giảm 18,8%, sang Hàn Quốc giảm 49,5%...
Thị trường nhập khẩu hàng giày dép 5 tháng đầu năm 2009
Thị trường
T5/2009 (USD)
5T/2009 (USD)
So cùng kỳ 2008 (%)
EU
190.473.366
798.813.875
-18,82
Hoa Kỳ
96.574.445
446.063.029
9,14
Nhật Bản
10.224.172
51.634.591
-3,47
Mexico
10.020.479
52.783.641
-2,88
Canada
8.209.555
35.439.875
9,7
Panama
5.037.165
26.397.876
-8,25
Trung Quốc
6.807.329
36.233.201
-2,7
Hàn Quốc
4.406.543
23.647.475
-49,52
ASEAN
4.960.180
21.546.506
15,45
Nga
3.354.867
16.346.049
0,32
Hồng Kông
2.580.835
15.939.326
-10,98
Nam Phi
2.595.938
14.316.752
26,65
Ôxtrâylia
3.737.993
15.595.197
-4,63
Thổ Nhĩ Kỳ
1.985.092
7.985.650
-14,07
Thuỵ Sĩ
1.610.225
7.716.090
-8,62
Đài Loan
2.879.348
14.882.027
-0,02
Brazil
2.617.372
9.901.733
-0,29
UAE
2.194.163
6.676.217
-4,89
Ucraina
252.362
2.391.788
30,72
Nauy
875.296
3.145.811
-12,48
Ấn Độ
362.369
1.670.369
-14,31
 

Nguồn:Vinanet