Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng mạnh, tập trung chủ yếu dưới dạng thép hợp kim. Điều này gây ảnh hương lớn đến hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Báo cáo từ VSA cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 292.000 tấn phôi thép và chủ yếu từ Trung Quốc.
Nếu so với cùng kỳ năm trước đã tăng 135,4% và với đà này, Hiệp hội dự báo, năm nay số lượng phôi thép nhập khẩu mà chủ yếu từ thị trường Trung Quốc có thể lên tới con số hàng triệu tấn.
Điều này là rất đáng lưu ý bởi năng lực sản xuất phôi thép của Việt Nam đã lên tới 11 triệu tấn/năm, nhưng nhu cầu phôi cho năm 2015 cũng chỉ khoảng 6,5 triệu tấn.
Số liệu các mặt thép Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam những năm qua như thép cây, thép dây, thép hình dưới dạng hợp kim đã tăng mạnh. Cụ thể, thép dây hợp kim năm 2013 là hơn 137.000 tấn nhưng năm 2014 đã là hơn 382.000 tấn; thép dây hợp kim năm 2013 là hơn 684.000 tấn thì đến 2014 đã là hơn 983.000 tấn...
Từ những số liệu trên, đại diện VSA cho rằng, số lượng thép cây, thép dây, thép tấm, thép tấm cuộn cán nóng, thép tấm cuộn cán nguội đội lốt "thép hợp kim" và tôn mạ các loại, sơn phủ màu tăng lên nhanh chóng.
Sở dĩ như vậy vì các mặt hàng này được Trung Quốc ưu đãi không đánh thuế xuất khẩu và còn được hoàn thuế VAT từ 9 - 13%. Hơn nữa, vì bán dưới dạng "thép hợp kim" nên khi nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế. Trong khi đó, các loại thép và tôn mạ này là những sản phẩm trong nước đã sản xuất được và vẫn còn dư năng lực.
Ông Nguyễn Văn Sưa cho hay, các giải pháp để ngăn chặn việc lách luật này đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả và các doanh nghiệp vẫn phải tự cứu lấy chính mình bằng việc tái cơ cấu cũng như nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Để quản lý và hạn chế được thép nhập khẩu dưới dạng "thép hợp kim" từ Trung Quốc, kiểm soát gian lận thương mại, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quy định rõ ràng hơn tiêu chuẩn cho mặt hàng thép, tôn mạ…, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông, tránh hiện tượng gian lận thương mại, làm hàng giả.
Nguồn: Vietnamplus.vn