menu search
Đóng menu
Đóng

Năm 2007, Thanh Hoá tập trung đầu tư để phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực

08:49 19/02/2008

Thanh Hoá có nhiều mặt hàng xuất khẩu giàu tiềm năng, trong đó tập trung vào các nhóm hàng: nông, lâm sản, thực phẩm, thủy sản, tiểu - thủ công nghiệp, khoáng sản với khoảng 26 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: lạc nhân, dưa chuột muối, ớt muối, cói nguyên liệu, quại cói, thịt súc sản, tôm đông lạnh, hàng may mặc, mây tre đan, đũa tre, xi - măng...

 Với tiềm năng đó, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến: các doanh  nghiệp đã cố gắng tổ chức khai thác nguồn hàng, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường. Tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu liên tục hoàn thành kế hoạch (KH) với tốc độ cao. Năm 2007 giá trị xuất khẩu ước đạt 170.497.000 USD, bằng 100% KH, tăng 27,6% so với năm 2006, trong đó: nhóm mặt hàng nông - lâm sản -  thực phẩm đạt 23.890.000 USD, bằng 148,2% cùng kỳ (CK); nhóm mặt hàng thủy  sản đạt 35.017.000 USD, bằng 107,8% CK; nhóm mặt hàng công nghiệp nhẹ và tiểu - thủ công nghiệp (TTCN) đạt 45.400.000 USD, bằng 137,2% CK; nhóm mặt hàng công nghiệp nặng  đạt 24.160.000 USD, bằng 122,2% CK; nhóm dịch vụ thu ngoại tệ đạt 42.030.000 USD, bằng 130,5% CK. Các mặt hàng có KH đều được xuất khẩu trực tiếp.

Năm 2007,  trong số 51 mặt hàng xuất khẩu, thì có 12 mặt hàng xuất khẩu mới. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2007 đạt giá trị tăng trưởng khá như:

+lạc nhân đạt 8.000 tấn, bằng 141,6% CK;

+tôm và hải sản đông lạnh đạt 35.017.000 USD, bằng 107,9% CK;

+hàng dệt may đạt 27.879.000 USD , bằng 139,6% CK;

+đá ốp lát đạt 2.159 m3, bằng 134,7% CK ;

+cao su đạt 1.943 tấn, bằng 242,8% KH;

+mây tre đan đạt 3.050.000 USD, bằng 153,3% CK...

Giá cả của phần lớn các mặt hàng đều tương đối ổn định hoặc tăng như: giá thịt lợn tăng 180%; rau quả tăng 200%, đá ốp lát tăng 20%, tinh bột sắn tăng 20%, lạc nhân tăng 40%; hàng thủy  sản đông lạnh, may mặc, thủ công mỹ nghệ, dụng cụ thể thao... giá tăng nhẹ.

Các mặt hàng xuất khẩu đến 33 thị trường các nước và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu năm 2006 được duy trì, năm 2007 mở rộng thêm thị trường Nhật Bản với mặt hàng nón lá; đậu xanh, cơm cháy sang Pháp; sắn lát, ngô hạt, dăm gỗ, cao su, bông, thuốc lá điếu sang thị trường Trung Quốc; que xiên, lông mi và tóc giả, dăm gỗ sang thị trường Đài Loan và sợi thuốc lá sang thị trường Triều Tiên.

 Tuy có mức tăng trưởng khá, nhưng các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thanh Hoá vẫn gặp không ít khó khăn.  Một thực tế là, do công nghiệp chế biến chưa phát triển nên giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm sản, thực phẩm và hàng thủy sản còn đạt thấp so với mục tiêu chương trình (nhóm mặt hàng nông – lâm sản – thực phẩm mới chỉ đạt 79,7% mục tiêu chương trình; nhóm hàng thủy sản cũng chỉ đạt 89,8% mục tiêu chương trình). Một số mặt hàng thế mạnh, có mục tiêu trong chương trình xuất khẩu nhưng không xuất khẩu được như: gia cầm, vừng, sữa và các sản phẩm từ sữa, giầy các loại. Nguyên nhân chính là do gặp khó khăn về năng lực cạnh tranh, nguồn nguyên liệu. Một số mặt hàng đạt giá trị thấp so với mục tiêu chương trình xuất khẩu đề ra. Các doanh nghiệp trong tỉnh còn nhiều hạn chế trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, sức vươn ra thị trường nước ngoài yếu. Mặt hàng đá ốp lát, xuất khẩu lao động, thủy sản... còn thiếu sự quản lý và quy hoạch, sản xuất kinh doanh mang tính tự phát; mặt hàng mây tre đan, mây giang xiên, thêu ren, thịt lợn, tơ tằm... chủ yếu  làm gia công hoặc bán cho tỉnh ngoài để xuất khẩu mà không được tính vào giá trị xuất khẩu của tỉnh. Một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu. Chưa có sự đánh giá thống nhất giữa cơ sở thu mua, chế biến hàng xuất khẩu với cơ quan quản lý về nguồn nguyên liệu sản xuất trên địa bàn. Vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu đã được quy hoạch nhưng thực hiện chưa nghiêm túc quy hoạch. 

Nhằm thực hiện thắng lợi chương trình phát triển xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu phát triển, Thanh Hoá cần tập trung chỉ đạo và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của tỉnh; có các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về xuất khẩu. Tiến hành xác định danh mục các mặt hàng có lợi thế để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu; đồng thời cũng cần xác định rõ các mặt hàng cần quan tâm hỗ trợ đầu tư để tăng tốc xuất khẩu, từ đó xây dựng các biện pháp hỗ trợ cho từng sản phẩm, từng mặt hàng cụ thể và phương án đẩy mạnh những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức hệ thống các đầu mối thu gom, chế biến hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng lạc nhân, thủy  sản, đá ốp lát,  khoáng sản, súc sản... Khảo sát, định hướng phát triển thị trường cho các mặt hàng may mặc, đá ốp lát, thủy sản, súc sản, rau hoa quả, thủ công mỹ nghệ...

 

Nguồn:Vinanet