Giá nguyên liệu nhựa đang giảm mạnh.
Tuy nhiên, khó khăn của ngành này là bị phụ thuộc vào nguyên liệu nên giá bán của doanh nghiệp Việt Nam luôn cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ 10%-15%.
Hết năm 2008, các doanh nghiệp nhựa đã phải nhập khẩu tới hơn 1,7 triệu tấn nguyên liệu. Điều này cho thấy tuy mặt hàng nhựa trong nước có mức tăng trưởng tốt nhưng trên thị trường quốc tế còn thiếu tính cạnh tranh.
Giám đốc điều hành Công ty cổ phần nhựa Hoàng Gia, cho biết trong mấy tháng gần đây, tình hình nhập khẩu giảm sút đáng kể. Trước đây, trung bình một tháng Công ty Hoàng Gia nhập khẩu 1.000 tấn thì nay giảm xuống còn 100-200 tấn nguyên liệu nhựa, thậm chí có những lúc không nhập.
Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), cho biết tình hình biến động giá cả nguyên liệu, đặc biệt là khủng hoảng tài chính những tháng cuối năm 2008 đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhựa.
Hiện nay, hầu như các doanh nghiệp nhựa đều phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân công (trung bình toàn ngành 10%), siết chặt quản lý...
Thậm chí một số doanh nghiệp buộc phải phá sản do không lường trước được giá nguyên liệu giảm mạnh từ 2.000 USD/tấn xuống còn 800 USD/tấn.
Thành lập quỹ đầu tư nhựa
Ngành nhựa, khó khăn không ở đâu xa mà chính là sự cạnh tranh của doanh nghiệp nhựa Trung Quốc. Trong vài năm gần đây, ngành nhựa Trung Quốc đã có sự bứt phá mãnh liệt. Các doanh nghiệp Trung Quốc có sự liên kết chặt chẽ khi sẵn sàng đầu tư cho một doanh nghiệp với đầy đủ tiềm lực tài chính để đại diện hàng ngàn doanh nghiệp đi đàm phán mua nguyên liệu với giá rất rẻ, sau đó về phân bố lại cho doanh nghiệp.
Còn ở Việt Nam thì ngược lại, từ khâu tìm kiếm, mua nguyên liệu đến sản xuất, phân phối thì doanh nghiệp tự làm.
Về vai trò của hiệp hội nhựa, hiệp hội không nên chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, Chính phủ mà phải kết nối sự liên kết các doanh nghiệp nhựa với nhau.
Trong giai đoạn khó khăn như thế này, hiệp hội nhựa nhanh chóng thành lập một quỹ đầu tư làm hạt nhân kết nối các doanh nghiệp nhựa. Quỹ đầu tư này không nên huy động vốn để cho vay hay đầu tư trái ngành như kiểu các tập đoàn thường làm mà phải lấy số vốn phục vụ lợi ích chung của ngành nhựa hay đại diện hiệp hội thực hiện những công việc mà nếu chỉ có một doanh nghiệp thì không thể thực hiện được.
Chủ tịch VPA, cho biết trong năm 2009, doanh nghiệp nhựa cần phải lưu ý đến tác động xấu ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu.
Đó là khả năng lưu chuyển tiền tệ của mỗi doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cũng như xu hướng chuyển dịch mới của thị trường thế giới gây bất lợi cho doanh nghiệp nhựa xuất khẩu.
Ví dụ, đối với lĩnh vực sản xuất bao bì (chiếm 40% sản lượng của ngành nhựa và chiếm 70% giá trị xuất khẩu), do có sự đóng băng của ngành công nghiệp xe hơi tại Nhật, Mỹ nên các nhà sản xuất sẽ ít nhập khẩu sản phẩm nhựa bao bì của Việt Nam.
Phấn đấu xuất khẩu hơn một tỷ USD trong năm 2009
Hết năm 2008, doanh nghiệp toàn ngành nhựa xuất khẩu với tổng giá trị 930 triệu USD. Con số này tuy cao so với các ngành khác nhưng không đạt chỉ tiêu đầu năm đề ra. Dự kiến trong năm 2009, xuất khẩu ngành nhựa sẽ đạt hơn một tỷ USD, tăng 15% so với năm 2008.
(CafeF)
Nguồn:Vinanet