menu search
Đóng menu
Đóng

Năm 2012, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD

16:03 02/12/2011
Mặc dù đã có dự báo về xu hướng giảm từ 10-15% mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tại một số thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 15 tỷ USD năm 2012.

Mặc dù đã có dự báo về xu hướng giảm từ 10-15% mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tại một số thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 15 tỷ USD năm 2012.

Tính đến cuối tháng 10/2011, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 11,7 tỷ USD và chiếm tới 17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo ước tính của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2011 kim ngạch xuất khẩu của ngành hoàn toàn có thể vượt đích 13,5 tỷ USD và xuất siêu khoảng 6,5 tỷ USD. Đây thực sự là những con số ấn tượng và nhiều ý nghĩa, bởi trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, giá nguyên phụ liệu cho sản xuất dệt may liên tục tăng trong khi đó sức mua và tiêu dùng giảm mạnh thì những con số đã trên đã minh chứng cho những nỗ lực vượt khó của ngành dệt may đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt giá trị tăng trưởng cao trong năm 2011 là do các doanh nghiệp trong nước đã thực hiện tốt công tác dự báo, tổ chức hoạt động đầu tư và sản xuất hiệu quả. Đặc biệt, các DN trong ngành đã rất nỗ lực củng cố thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới. Cụ thể, với những thị trường truyền thống của ngành dệt may Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn giữ được mức tăng ổn định, tính đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ tăng 14%, EU tăng 41% và Nhật Bản tăng 52% so với cùng kỳ. Còn những thị trường mới nổi của ngành dệt may như Hàn Quốc, Đài Loan, Canada… cũng có mức tăng trưởng rất ấn tượng, đơn cử như thị trường Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 10 tháng đã tăng 128% so với cùng kỳ và đạt 753 triệu USD.

Sang năm 2012, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 15 tỷ USD, tăng từ 10-12% so với năm 2011 và Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn được kỳ vọng là thị trường chính của ngành dệt may Việt Nam, với 80% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, theo dự báo thì xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2012 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những khó khăn về kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới chưa hồi phục, nợ công ở một số nước châu Âu vẫn đang tiếp diễn. Và nhất là xu hướng giảm giá đơn hàng trong năm tới (do giá nguyên vật liệu giảm) có thể khiến mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chính năm 2012 giảm từ 10-15% so với năm 2011. Thêm vào đó, năm 2012 mặc dù tình hình lạm phát sẽ được Chính phủ giữ ở mức 10%, áp lực về giá sẽ giảm phần nào nhưng những chi phí đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao, vốn vay ngân hàng vẫn khó…

Để đạt được mục tiêu đã đề ra và khắc phục những khó khăn, sang năm 2012 ngành dệt may sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ FOB và ODM để nâng cao giá trị cho sản phẩm; củng cố các thị trường truyền thống và tăng cường khai thác các thị trường mới như Nga, Canada, Hàn Quốc… Ngành dệt may cũng sẽ tăng cường nội địa hoá nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Cụ thể, ngành sẽ tăng cường sử dụng xơ P.E được cung cấp bởi các doanh nghiệp trong nước (theo tính toán sẽ giảm được khoảng 300 triệu USD so với nguyên liệu nhập khẩu); tăng cường sử dụng vật tư, máy móc thiết bị sản xuất trong nước để tiết kiệm chi phí; tăng diện tích trồng bông trong nước lên 15.000ha trong năm 2012 và xây dựng chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp để thu hút người lao động…/

 (VEN)

Nguồn:Tin tham khảo