menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành da giày: Xuất khẩu tăng nhưng thiếu đơn hàng

09:05 17/07/2012
Số liệu của Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho thấy, 6 tháng đầu 2012, kim ngạch XK giày dép đạt trên 3,1 tỷ USD, tăng trên 7,6 % so với cùng kỳ năm 2011. Riêng kim ngạch XK cặp, túi xách đạt trên 678 triệu USD, đạt 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu của Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho thấy, 6 tháng đầu 2012, kim ngạch XK giày dép đạt trên 3,1 tỷ USD, tăng trên 7,6 % so với cùng kỳ năm 2011. Riêng kim ngạch XK cặp, túi xách đạt trên 678 triệu USD, đạt 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, thị trường EU chiếm 50%, tương đương 1,55 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ; thị trường Mỹ chiếm 26%, tương đương 806 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ; thị trường khác chiếm 24%, tương đương 744 triệu USD. Đây là ngành đứng thứ 3 trong số 10 nhóm ngành có kim ngạch XK lớn nhất 6 tháng đầu năm 2012.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, kim ngạch XK 6 tháng tăng, nhưng phần lớn các DN đang khó khăn trong tiếp nhận thêm đơn hàng, một mặt do thiếu lao động, mặt khác do sản xuất không đủ bù đắp chi phí (một số DN thực hiện các đơn hàng gia công phải bù lỗ). Các DN da giày đang rất lo lắng vì mới ký hợp đồng XK đến hết quý III.

Cụ thể, chỉ có một số DN duy trì đơn hàng ổn định công suất như: Công ty Đông Hưng, Công ty CP Giày An Lạc, Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (thương hiệu Bitis). Các DN gia công cho Đài Loan, Trung Quốc có sự dịch chuyển đơn hàng phía Trung Quốc sang do tỷ lệâ lượng cơ bản ở đây tăng 22% như Công ty TNHH thương mại sản xuất Trường Lợi, Công ty TNHH Liên Phát. Các DN gia công thiếu đơn hàng do công ty lớn chỉ đáp ứng đủ công suất của mình như Công ty Giày An Giang.

Lý giải về tình hình sức mua giảm sút, Lefaso cho rằng, bên cạnh những khó khăn kinh tế tại các thị trường NK, ngành da giày cũng đang chịu tác động mạnh mẽ bởi các thị trường NK lớn (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản) bởi họ đang thay đổi cách thức mua hàng, yêu cầu cao về chuẩn chất lượng, môi trường… Vì vậy các DN phải chuyển sang tìm kiếm đơn hàng từ thị trường Nam Mỹ, nghiên cứu hợp tác đầu tư sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu da giày với các nước có tiềm năng như Ấn Độ, Brazil…

Mặt khác, dù Việt Nam có lợi thế so với các nước về giá nhân công rẻ (150 đến 200 USD/tháng), ví dụ như Trung Quốc (206 đến 210 USD/tháng) nhưng Việt Nam phải NK nguyên liệu tới trên 65% nên sức cạnh tranh bị yếu đi. Một yếu kém nữa là, DN da giày Việt Nam chủ yếu làm gia công, giá gia công chiếm chỉ khoảng 5% toàn bộ giá trị của sản phẩm, chủ DN còn phải chi rất nhiều khoản nên mức thu nhập của lao động rất khó tăng, khó cạnh tranh với các ngành nghề khác.

Năm 2012, ngành Da giày đặt mục tiêu kim ngạch XK đạt 7,3 tỷ USD tăng 12% so với năm 2011. Với tình hình sản xuất như hiện nay, dự báo khả năng đạt kế hoạch là khả thi. Nhưng để đạt được kết quả này, ông Thuấn cho biết, các DN da giày cần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động - Chính phủ - người lao động trên cơ sở đạt điểm cân bằng.

Các DN gia tăng kim ngạch XK thông qua duy trì và phát triển tốt quan hệ bạn hàng, xâm nhập và mở rộng các thị trường mới (thúc đẩy thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm - hỗ trợ phát triển các thị trường mới); đầu tư thực hiện tốt tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn môi trường, các yêu cầu của khách hàng, đặc biệt yêu cầu về thực hiện tốt trách nhiệm xã hội DN.

Bên cạnh những nỗ lực, Lefaso cũng kiến nghị cần có cơ chế chính sách để ngành sản xuất, XK da giày phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể: đề nghị xem xét các luật sửa đổi của Luật Công đoàn, Luật Quản lý thuế, Bộ luật Lao động. Đối với Luật Quản lý thuế phải xem xét thời gian ân hạn thuế cho hàng XNK; Bộ luật Lao động xem xét kéo giãn thời gian tăng lương tối thiểu và tỷ lệ tăng hợp lý.

Trong việc hỗ trợ phát triển thị trường XK nhằm chuyển dịch cơ cấu thị trường, Lefaso kiến nghị Bộ Công Thương vận động Chính phủ Mỹ cho Việt Nam hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) trong đàm phán TPP; tăng cường liên kết các chuỗi giá trị nhằm tranh thủ lợi thế giữa các nước thành viên trong khu vực và giảm sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Nguồn:Hải quan Việt Nam