8 hiệp đinh thương mại tự do đã ký kết và 6 hiệp định quan trọng đang được đàm phán sẽ có tác động không nhỏ đến hoạt động thương mại và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các DN, đây sẽ là cơ hội lớn để các DN thủy sản Việt Nam mở rộng và tiếp cận thị trường, nhưng đồng thời nó cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam, trong đó phải kể đến các loại rào cản phi thuế quan cũng như khả năng cạnh tranh của DN thủy sản Việt Nam.
Năm 2014 được đánh giá là năm thắng lợi của ngành tôm nước ta khi dịch bệnh dần được kiểm soát, thị trường được mở rộng và lần đầu tiên kim ngạch XK tôm của Việt Nam đạt mức kỷ lục gần 4 tỷ USD. Xét về sản lượng, Việt Nam đứng thứ 3 nhưng nếu xét về giá trị XK thì Việt Nam là nhà vô địch thế giới.
Tiếp nối thành công của năm 2014, với hàng loạt hiệp định thương mại đã được ký kết cũng như đang trong quá trình đàm phán, dự đoán trong năm 2015, con tôm Việt Nam sẽ tiếp tục rộng cửa thâm nhập thị trường thế giới với rất nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh. Theo thống kê tại các thị trường chính là Mỹ, Nhật và EU, kim ngạch XK tôm trong ba tháng đầu năm 2015 đạt gần 330 triệu USD.
Tại thị trường Mỹ, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên Ấn Độ đã soán ngôi vương của Thái Lan và trở thành nhà cung cấp sản phẩm tôm hàng đầu cho Mỹ. Tuy có phần thấp hơn đôi chút so với đối thủ Ấn Độ nhưng con tôm Việt Nam luôn trụ vững và đạt mức tăng trưởng đáng kể trên thị trường khổng lồ này, trong đó sản phẩm tôm thịt đông lạnh giữ vị trí thứ 3 và chiếm 20,3% tổng lượng tôm XK của Việt Nam.
Do được hưởng ưu đãi về thuế quan với mức thuế suất 0%, nên Êcuađo luôn duy trì vị trí nhà cung cấp tôm hàng đầu tại thị trường EU. Trong khi đó tôm Việt Nam với mức thuế suất khá cao (khoảng 6%) nên chỉ đứng hàng thứ 4. Thế nhưng, tình thế rất có thể sẽ đảo chiều khi Việt Nam và EU đang tích cực đàm phán và tiến tới ký kết hiệp định thương mại tự do trong năm nay. Khi đó, con tôm Việt Nam sẽ cạnh tranh công bằng và trở thành đối thủ đáng gờm với Êquađo tại thị trường này.
Gần đây nhất, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc vừa được ký kết ngày 05/05/2015. Đây được đánh giá là hiệp định thuận lợi đối với con tôm Việt Nam. Với những đặc điểm thị trường tương tự như Nhật, con tôm Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục “tung hoành” chứ không dừng lại ở con số 44% thị phần tại thị trường này như hiện nay.
Ngoài ra, cộng đồng kinh tế chung ASEAN sắp được thành lập vào tháng 12/2015 với thuế suất 0%. ASEAN được xem là thị trường tiêu thụ sản phẩm giá trị gia tăng đầy tiềm năng của con tôm Việt Nam, có khả năng thay thế các thị trường lớn khác đang có những diễn biến bất lợi.
Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra rất nhiều cơ hội. Trong quá trình này, theo nhận định của các chuyên gia, các DN thủy sản Việt Nam có sự chuẩn bị tương đối tốt và chủ động hơn so với các đối thủ. Cụ thể, ngành thủy sản Việt Nam hiện tại sở hữu tới 12 đơn vị đạt chứng nhận BAP 4 sao, bỏ xa các đối thủ như Ấn Độ (có 3), Thái Lan (7), Trung Quốc (2)…
Việt Nam là đối tác rất năng động, luôn chủ động tham gia đàm phán và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Các hiệp định đa phương, song phương mà chúng ta đang đàm phán và đã ký kết nhiều hơn so với các quốc gia trong khu vực, trong đó có các đối thủ cạnh tranh. Đây là lợi thế lớn có thể tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới khi các hiệp định thương mại này đi vào thực thi.
Nhưng còn nhiều thách thức
Cơ hội là rất lớn, tuy nhiên theo nhận định của không ít lãnh đạo DN, các hiệp định thương mại tự do không hẳn là những “bữa đại tiệc” mà kèm theo đó là những “xương xẩu” khó nhằn. Phát biểu tại hội thảo “Tác động của các FTAs đối với thương mại xuất nhập khẩu tôm Việt Nam” vừa được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối tổ chức ngày 06/05/2015 tại TP Cần Thơ, ông Lê Văn Quang – TGĐ Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng tương lai của con tôm Việt Nam trong thời hội nhập vẫn còn nhiều trắc trở.
Theo ông Quang, hội nhập kinh tế quốc tế đi kèm theo đó là các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mở ra những cơ hội mới cho DN khi thuế suất được giảm, nhưng đồng thời các hàng rào kỹ thuật lại tăng lên đáng kể. Song song với đó còn là các yêu cầu về an sinh xã hội các điều kiện sản xuất cực kỳ khó khăn và DN phải tốn kém rất nhiều chi phí trong việc đáp ứng các yêu cầu này …để con tôm Việt Nam đến được người tiêu dùng.
Khi tham gia các hiệp định thương mại, vấn đề bảo hộ bản quyền cũng là thách thức lớn đối với DN. “Hầu hết các thiết bị, máy móc sản xuất tại các nhà máy chế biến hiện nay đều không có bản quyền. Do đó bắt buộc chúng ta phải làm lại hết từ máy móc thiết bị cho đến các phần mềm. Thậm chí, có khi chúng ta phải thay đổi cả luật lao động và một số luật khác thì DN mới có thể cạnh tranh lại đối thủ” - ông Quang nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm, trong hoạt động nuôi tôm, có những kháng sinh chúng ta cấm trong khi đối thủ của chúng ta được sử dụng, có những kháng sinh chúng ta sử dụng hạn chế thì đối thủ lại được sử dụng cao gấp 10 lần. Tất cả đều do thị trường NK áp đặt.
Từ những vấn đề trên, ông đúc kết “ Thuế chỉ giảm 4% trong khi chi phí gia tăng thêm 20% chẳng khác nào cầm dao mà đâm sau lưng DN. Rõ ràng, DN phải gánh quá nhiều thiệt thòi và rủi ro”.
Đối với FTA Việt Nam – Hàn Quốc vừa được ký kết, ông Quang cho rằng tuy thuế suất về 0% nhưng phải có hạn ngạch (quota) và phải đấu thầu nên vô hình chung tôm Việt Nam tại thị trường này giá vẫn cao và rất khó cạnh tranh. “Khi đấu thầu được thì độc quyền, không đấu thầu được thì không thể NK tôm Việt Nam. Đường nào cũng khó” - ông Quang nhấn mạnh.
Thách thức còn nhiều, chính vì vậy, đại diện Bộ Công Thương, ông Nguyễn Phú Hòa – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng bày tỏ sự lo lắng về tính chủ động của các DN, nhất là các DN nhỏ trong quá trình hội nhập. Ông cho rằng: “Hơn bao giờ hết chúng ta cần phản đoàn kết vượt qua thử thách. Thuyền to thì sóng to, rủi ro sẽ càng lớn hơn, phức tạp hơn. Nhưng nếu chúng ta vượt qua thì ánh vinh quang sẽ càng chói lọi”.
Nguồn:Vasep