menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành xe đạp xuất khẩu sẽ hồi phục

16:34 26/07/2010
Tổng vụ thương mại của Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi thư thông báo bãi bỏ thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam từ ngày 1-7-2010.
Tổng vụ thương mại của Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi thư thông báo bãi bỏ thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam từ ngày 1-7-2010.
Trước tháng 7-2005, xe đạp là một trong những mặt hàng công nghiệp xuất khẩu đầy triển vọng của Việt Nam. Vào lúc cao điểm, số lượng xe của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) đến gần 1,1 triệu chiếc mỗi năm, chiếm thị phần 11,69% thị trường xe đạp nhập khẩu của khối này. Thế rồi mọi việc đã thay đổi nhanh chóng kể từ sau ngày 1-7-2005, khi EC quyết định áp đặt thuế chống bán phá giá lên xe đạp xuất khẩu từ Việt Nam, với mức thuế suất bình quân lên đến 34,5%.
Từ đó, sản lượng xe đạp xuất khẩu tụt giảm nhanh chóng, đến năm ngoái chỉ còn xuất được khoảng 21.400 chiếc, thị phần ở EU còn 0,1%. Hàng loạt doanh nghiệp trong ngành sản xuất xe đạp và phụ tùng phải đóng cửa nhà máy và hàng trăm ngàn công nhân bị mất việc. Có thể nói, quyết định trên của EC đã làm lụn bại ngành công nghiệp xe đạp xuất khẩu của Việt Nam và nay với quyết định bãi bỏ thuế chống bán phá giá, EC đã mang lại hy vọng hồi phục cho ngành công nghiệp này.
Ông Vũ Bá Phú, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương, khẳng định: “Chắc chắn ngành xe đạp xuất khẩu sẽ hồi phục, nhưng khả năng phục hồi của chúng ta đến đâu thì vẫn chưa rõ. Tuần tới chúng tôi sẽ vào phía Nam làm việc với các doanh nghiệp sản xuất xe đạp, để tìm hiểu lại năng lực sản xuất, những khó khăn để vạch ra hướng giải quyết nhằm khai thông năng lực xuất khẩu cho ngành này”.
Các doanh nghiệp trong ngành cũng đón nhận tin bãi bỏ thuế trong tâm trạng lạc quan. Ông Châu Vĩnh Chí, Giám đốc phụ trách kinh doanh xuất khẩu của Asama Yu Jiun, một trong những nhà sản xuất xe đạp hàng đầu Việt Nam, nói: “Suốt năm năm qua, chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc với các khách hàng cũ ở châu Âu và hiện Asama đang tích cực tìm kiếm lại các đơn đặt hàng”. Ông tin tưởng đến cuối tháng 7-2010 này Asama sẽ ký được những hợp đồng đầu tiên và đến tháng 10 tới nhiều khả năng số lượng hợp đồng xuất khẩu vào EU sẽ đạt tới 65% so với cách nay năm năm. Đại diện một số doanh nghiệp khác, chẳng hạn như Công ty Dragon, cũng đang liên hệ lại với khách hàng và lên kế hoạch tuyển dụng công nhân để nâng cao năng lực sản xuất.
Theo ông Vũ Bá Phú, một khi không còn phải chịu thuế chống bán phá giá, xe đạp Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá hơn các đối thủ khác ở Thái Lan và Indonesia. Ông phân tích: “Hiện nay, Việt Nam đã có thể sản xuất đến ba phần tư linh kiện, phụ tùng cần thiết của chiếc xe đạp, cộng thêm chi phí nhân công trong nước vẫn rẻ hơn nhiều quốc gia khác, nên giá thành sản phẩm của Việt Nam khá tốt”. Bên cạnh đó, một yếu tố rất thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam là xe đạp Trung Quốc vẫn tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá ở châu Âu. Đây là đối thủ cạnh tranh đáng ngại nhất và việc họ chưa được EC bãi bỏ sắc thuế này là cơ hội lớn để ngành xe đạp xuất khẩu Việt Nam phục hồi.
Về phía doanh nghiệp, ông Châu Vĩnh Chí cho rằng, dây chuyền thiết bị sản xuất của các công ty hầu như vẫn còn nguyên vẹn, nên có thể hoạt động trở lại bất kỳ lúc nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp có thể ngay lập tức đưa năng lực sản xuất trở lại như thời kỳ trước năm 2005. Ông Chí cho biết: “Khó khăn lớn nhất là việc tuyển dụng lại lao động và đào tạo. Do mất gần hết đơn hàng xuất khẩu, trong năm năm qua công ty đã phải cho nghỉ việc hàng ngàn công nhân lành nghề. Giờ đây lại phải đào tạo lại từ đầu, sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí, đó là chưa kể việc tuyển dụng được người trong điều kiện hiện nay cũng không dễ”. Hiện tại, nhân lực của ngành xe đạp chỉ còn lại khoảng 5.000 lao động. Để khôi phục lại số lượng hơn 200.000 như trước đây, có lẽ sẽ phải mất nhiều năm.
 

Nguồn:Thời báo kinh tế Sài Gòn