Theo công bố số liệu thống kê của TCHQ Việt Nam, năm 2011, nhập khẩu phân bón của Việt Nam tăng cả lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2010. Năm 2011, Việt Nam đã nhập khẩu 4,2 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 21,1% về lượng và tăng 46,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, so với kế hoạch đặt ra trong năm 2011 tăng 33%.
Tuy nhiên, tháng cuối năm 2011, nhập khẩu phân bón lại giảm so với tháng trước đó, giảm 32% về lượng và giảm 32,8% về trị giá, tương đương với 309 nghìn tấn với trị giá 135,6 triệu USD.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam trong năm 2011, chiếm hơn 50%. Năm 2011, Việt Nam đã nhập khẩu 2,1 triệu tấn phân bón từ thị trường này, trị giá 878,7 triệu USD tăng 26,69% về lượng và tăng 45,64% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu từ thị trường thế giới trong năm 2011 vẫn chiếm khoảng 40-50% tổng nhu cầu phân bón trong nước, do đó thị trường phân bón luôn chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Thêm vào đó là tác động từ yếu tố vĩ mô, từ các cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng trực tiếp lên nguồn cung, nhu cầu, kết quả cuối cùng là sự thay đổi của giá phân bón.
Tuy nhiên, sự tác động này cũng có những trái ngược nhau đối với từng chủng loại. Như, đối với thị trường ure: sau khi tăng lên mức khá cao vào cuối tháng 6/2011, thị trường ure thế giới biến động tăng giảm liên tục. Đặc biệt, thị trường phân bón khá trầm lắng và liên tục lao dốc từ cuối tháng 9 đầu tháng 10, kéo dài đến cuối năm 2011 do ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn của thị trường tài chính và hàng hóa thế giới khi mà khủng hoảng tại khu vực Châu Âu chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hiện giá ure tại nhiều khu vực đã giảm xuống dưới mốc 300 USD/tấn – một mức giá khá thấp; đối với thị trường Ammonia: do nguồn cung Ammonia đột ngột thắt chặt tại khu vực phía Bắc của New Zealand và Algeria khiến giá Ammonia tăng bất ngờ tăng rất mạnh trong tháng 9 và kéo dài cho tới tận tháng 10 và tháng 11/2011. Giá chủng loại này trung bình tháng 11 đã tăng tới trên 40% so với giá đầu năm 2011, tuy nhiên sau đó đã dần ổn định trở lại nhờ nguồn cung được cải thiện và nhu cầu giảm bớt.
Thị trường phân bón thế giới và Việt Nam năm 2011 tiếp tục chịu những tác động từ việc Trung Quốc nâng mức giá tham chiếu xuất khẩu Ure (từ 400 USD/tấn lên 470 USD/tấn rồi 480-490 USD/tấn FOB) cùng với đó là những quy định khắt khe hơn trong tờ khai thuế quan đối với các nhà xuất khẩu trong năm 2011. Ngoài ra chính sách thuế xuất khẩu phân bón tùy theo thời kỳ mở cửa và đóng cửa cũng đã ảnh hưởng rõ rệt tới nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới, tác động phần nào tới giá. Theo đó, Việt Nam – một nước nhập khẩu cũng chịu tác động không nhỏ từ những sự thay đổi trên, đặc biệt khi Trung Quốc là thị trường chủ chốt xuất khẩu phân bón sang Việt Nam.
Trận lụt lịch sử tại Thái Lan, ở ĐBSCL của Việt Nam cũng góp thêm phần “sinh động” vào diễn biến thị trường phân bón năm 2011. Trong tháng 10 và tháng 11, nhiều nước tại khu vực Đông Nam Á đã phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ lũ lụt. Tại Thái Lan, các kho hàng phân bón ở phía Bắc Thái Lan đã bị hư hỏng gần như toàn bộ do ngập nước. Để đáp ứng nhu cầu nội địa, Thái Lan đã phải nhập khẩu thêm khoảng 100.000 tấn ure nhằm bù đắp một phần thiệt hại từ lũ lụt. Trong khi đó, tại Việt Nam, ảnh hưởng từ lũ lụt cũng khá nặng nề, nhiều diện tích lúa đã gần như mất trắng, ngoài ra cũng làm chậm lịch xuống giống so với mọi năm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lũ lụt cũng đã bù đắp được khá nhiều phù sa cho đồng ruộng. Do đó nhiều khả năng nhu cầu phân bón sẽ giảm phần nào mặc dù không phải là một tỷ lệ lớn.
Thị trường nhập khẩu phân bón năm 2011
ĐVT: Lượng (tấn); Trị giá (USD)
Sang năm 2012, Hiệp hội phân bón và một số nhà nhập khẩu dự báo thị trường phân bón trong năm sẽ không có đột biến. Khả năng khan hiếm nguồn cung khó xảy ra. Đồng thời, nhu cầu sử dụng phân bón, nhất là trong những tháng đầu năm, có thể giảm sau lũ lụt vừa qua ở ĐBSCL. Dự báo thị trường phân bón 2012 ít biến động do nguồn sản xuất trong nước đã trở nên dồi dào khi có thêm một số nhà máy sản xuất phân urê đi vào hoạt động.
Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, giá phân bón trong năm 2012 còn phụ thuộc vào giá than và khí, nguồn nguyên liệu và nhiên liệu đầu vào để sản xuất phân bón, nhất là phân urê. Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam có thể sẽ dư thừa nguồn phân urê, nên Bộ Tài chính cũng cần có chính sách thuế xuất nhập khẩu phù hợp. Theo hiệp hội, sắp tới thị trường phân bón trong nước sẽ được bổ sung thêm khoảng 1,5 triệu tấn phân urê của các dự án phân bón Ninh Bình, Đạm Cà Mau và Đạm Hà Bắc. Năng lực sản xuất một số loại phân khác cũng sẽ tăng lên nhờ vào dự án mở rộng sản xuất như NPK của Công ty Phân bón Bình Điền (từ 650.000 tấn/năm lên 1 triệu tấn/năm) và Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (450.000 tấn). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhu cầu phân bón các loại của cả nước trong năm 2012 vào khoảng 9,8 triệu tấn. Trong đó phân urê 2 triệu tấn, đạm SA 710.000 tấn, phân kali 920.000 tấn, DAP 950.000 tấn, phân NPK 3,5 triệu tấn, phân lân các loại 1,8 triệu tấn. Trong khi đó, khả năng sản xuất trong nước là 7,25 triệu tấn phân bón các loại và chỉ còn phải nhập thêm phân SA, kali, DAP.
Nguồn:Vinanet