menu search
Đóng menu
Đóng

Nhìn từ con số kim ngạch XNK vượt 200 tỷ USD trong 9 tháng

11:12 29/09/2014
Mới hết tháng 9 nhưng tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đã vượt năm 2011, xấp xỉ đạt mốc năm 2013. Với đà tăng trưởng như hiện nay, chỉ tiêu về XNK, nhập siêu mà Quốc hội đặt ra hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí còn vượt.

Mới hết tháng 9 nhưng tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đã vượt năm 2011, xấp xỉ đạt mốc năm 2013. Với đà tăng trưởng như hiện nay, chỉ tiêu về XNK, nhập siêu mà Quốc hội đặt ra hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí còn vượt.

Hoàn thành chỉ tiêu

Theo số liệu của cơ quan thống kê, tổng kim ngạch XNK hàng hóa tháng 9-2014 của cả nước ước đạt 25,4 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK đạt 12,4 tỷ USD và kim ngạch NK đạt 13 tỷ USD. Sau 9 tháng, tổng kim ngạch XNK ước đạt 216,8 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK đạt 109,6 tỷ USD và kim ngạch NK đạt 107,2 tỷ USD. Như vậy, mặc dù mức nhập siêu ở mức 0,6 tỷ USD trong tháng 9 nhưng xét 9 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó khu vực FDI xuất siêu 12,7 tỷ USD, còn các DN trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD.

Dù đây mới chỉ là con số ước của cơ quan thống kê, nhưng theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan thì tổng kim ngạch XNK đến giữa tháng 9 cũng đã “cán mốc” 203,34 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng gần 22,99 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013. Cán cân thương mại hàng hóa trong nửa đầu tháng 9-2014 thâm hụt 955 triệu USD nhưng xét tổng thể từ đầu năm đến 15-9, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước còn mức thặng dư hơn 2,03 tỷ USD.

Nếu so sánh với con số XNK của những năm trước thì có thể thấy rằng, kim ngạch XNK của Việt Nam tính đến tháng 9 đã xấp xỉ bằng với kim ngạch XNK của cả năm 2013 (228,37 tỷ USD) và cao hơn rất nhiều so với những năm trở về trước. Như vậy, bức tranh XNK của Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt, trong đó “XK trở thành một trong những động lực để tăng trưởng kinh tế”, theo lời ông Phạm Tất Thắng, cố vấn cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương). Kết quả này có được là do thị trường thế giới có dấu hiệu hồi phục, DN Việt Nam đã ký được hợp đồng “chắc ăn”. Đặc biệt, sau 9 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam vẫn xuất siêu là tín hiệu tốt phản ánh hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đã và đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường quốc tế, góp phần ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô trong nước.

“Với nhịp độ tăng trưởng như hiện tại, chắc chắn mục tiêu XNK sẽ đạt được, thậm chí còn vượt”, ông Thắng khẳng định. Bởi theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2014, XK là tăng 10% và tỷ lệ nhập siêu so với XK là 6% (tổng kim ngạch XK là 145,2 tỷ USD, mức nhập siêu sẽ là 8,7 tỷ USD). Như vậy, gần như chắc chắn năm 2014 sẽ không nhập siêu lớn như chỉ tiêu kế hoạch, trái lại còn xuất siêu và mức xuất siêu sẽ lớn nhất từ trước tới nay.

Không tự “huyễn hoặc”

XK có thể coi là điểm sáng, nhưng nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra lo lắng cho sự gia tăng liên tục những năm qua về XK, về giá trị mà Việt Nam thu về từ hoạt động XK. Theo phân tích của ông Thắng, XNK của Việt Nam chưa có biểu hiện mang tính chất đột phá, báo hiệu có sự tăng trưởng bền vững mà vẫn phụ thuộc nhiều vào sự lên xuống của thị trường thế giới, phụ thuộc vào khối DN FDI. Chủ trương của nước ta là “không chú trọng tăng nhiều về lượng, chủ yếu tăng về chất” nhưng trong năm nay và những năm gần đây, XNK vẫn thiên về “tăng lượng”. “Kim ngạch XK lớn nhưng DN Việt Nam chưa tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu ở những khâu có lợi, có giá trị cao. Thực chất, chúng ta chưa có biện pháp thay đổi cơ cấu”, ông Thắng nói.

Trên thực tế, trị giá XK hàng hóa của các DN FDI tính đến hết ngày 15-9-2014 đạt hơn 63,19 tỷ USD, tăng 15,8% (tương tứng tăng hơn 8,63 tỷ USD) và chiếm gần 61,5% tổng trị giá XK của cả nước. “Hiện tượng” này không phải bây giờ mới xuất hiện mà được lặp lại trong vài năm gần đây. Theo đó, những mặt hàng XK lớn lọt vào top “tỷ đô” phải kể đến là mặt hàng có hàm lượng chất lượng cao như điện tử, điện thoại nhưng lại rơi vào các tổ chức, DN FDI. Giá trị gia tăng Việt Nam thu về từ ngành hàng này rất ít bởi DN FDI chủ yếu vẫn NK linh kiện để phục vụ sản xuất, XK, còn các DN trong nước, XK đã ít lại không có cơ hội “góp mặt” vào chuỗi sản xuất của các DN FDI.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân trần: “Trong số hơn 109 tỷ USD thì tỷ trọng của DN FDI lớn quá, tăng tới hơn 68% làm cho tôi hết sức suy nghĩ. Sự đóng góp của DN trong nước rất thấp trong XK và năng lực cạnh tranh của DN trong nước, của các sản phẩm XK thấp, chậm được cải thiện. Nếu XK của DN FDI tăng lên nhiều thì kim ngạch XK tăng nhưng giá trị gia tăng mà Việt Nam đạt được trong tổng lại rất thấp. Chúng ta cần phải suy nghĩ điều này để tránh tự “huyễn hoặc”, tự lạc quan với những thành tích đạt được”.

Có lẽ câu chuyện “thành tích” XNK và xuất siêu sẽ còn là vấn đề được bàn thảo nhiều. Dù các cơ quan, bộ ngành đã nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp nhưng tín hiệu chuyển biến trong cơ cấu mặt hàng, thị trường, khách hàng chưa đột phá khi xuất siêu vẫn chủ yếu sang Nhật, Mỹ, EU còn nhập siêu lớn từ Trung Quốc.

 Nguồn: Báo Hải quan

Nguồn:Hải quan Việt Nam