Chỉ tăng 4,6% so với tháng trước, nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2014 cũng đã góp phần quan trọng trong việc đưa IPP tăng trưởng liên tục những tháng qua. Cùng với kim ngạch XK tăng mạnh và xuất siêu 10 tháng chạm mức 1,9 tỷ USD có thể đưa những mục tiêu tăng trưởng năm 2014 của ngành Công Thương về đích sớm.
Bứt phá từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo
Thông tin được Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) đưa ra cho thấy, IIP tháng 10 tăng 4,6% so với tháng 9 và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,9%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Các ngành công nghiệp chủ chốt như khai khoáng, chế biến, chế tạo tăng, sản xuất và phân phối điện… đều có mức tăng đáng kể, từ 0,7% đến 11,5% so với cùng kỳ. Bộ Công Thương khẳng định: Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng, chỉ số IIP 10 tháng tăng cao hơn mức tăng 5,3% của 8 tháng, mức 6,7% của 9 tháng và mức tăng 5,4% 10 tháng năm 2013 so với cùng kỳ.
Cùng với tăng trưởng trong sản xuất thì chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng có sự tăng nhẹ 0,8% so với tháng trước và tăng 14,3% so với tháng 9 năm 2013. Nhiều nhóm hàng có mức tiêu thụ tăng trên 10% đã giúp giảm lượng hàng tồn kho và tăng kim ngạch xuất khẩu. Đến đầu tháng 10, chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã ghi nhận mức giảm đáng kể so với tháng 9, chỉ tăng 2,4% so với thời điểm 1/9/2014 và thấp hơn mức tăng tới 11,6% tại thời điểm 1/ 9 so với 1/8/2014.
Hai tháng còn lại của năm 2014, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh XK thông qua tìm kiếm thị trường mới. Trong đó, tập trung phát triển các thị trường tiềm năng tại châu Phi, Trung Đông và Mỹ La tinh…; sớm hoàn thiện Đề án thúc đẩy XK mặt hàng nông sản, thủy sản sang LB Nga.
Những giải pháp trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp thực hiện thời gian qua đã giúp kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tháng 10 đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 9 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, KNXK ước đạt 123,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, XK của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần vào tăng trưởng KNXK chung.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa trong tháng 10 ước đạt 13,6 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng 9 và tăng 8,8% so với cùng kỳ. 10 tháng qua, KNNK ước đạt 121,2 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy tính chung 10 tháng Việt Nam đã xuất siêu xấp xỉ 1,9 tỷ USD.
Điểm sáng trong hoạt động XNK là KNXK của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã liên tục tăng trưởng khi sau 10 tháng tăng 12,9% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,2% của 10 tháng năm 2013. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội trong tháng 10 ước đạt 251.195 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước; tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ ước đạt 2.399.480 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013, thấp hơn so với mức tăng 12,6% của năm ngoái. Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu do sức mua yếu, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 10 tháng đạt mức tăng 6,4%.
Nguồn: Baocongthuong.com.vn
Nguồn:Vinanet