menu search
Đóng menu
Đóng

Thâm hụt thương mại của Việt Nam lên tới gần 3 tỷ USD sau 5 tháng

10:03 03/06/2015
Theo Bộ Công Thương, qua 5 tháng, thâm hụt thương mại của cả nước đã đạt gần 3 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản tiếp tục giảm mạnh đã tác động đến tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Theo Bộ Công Thương, qua 5 tháng, thâm hụt thương mại của cả nước đã đạt gần 3 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản tiếp tục giảm mạnh đã tác động đến tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Nhóm nông, thủy sản giảm tới 9,5%

Báo cáo tại buổi giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/6, tại Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Tiến Vỵ cho biết, Tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,5 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng Tư. Tính chung 5 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 63,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 18,83 tỷ USD, giảm 2,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 44,37 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo ông Vỵ, mặc dù tăng 0,3% so với tháng Tư, nhưng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 5 tháng lại giảm 9,5% so với cùng kỳ, ước đạt 8,14 tỷ USD, trong đó các mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ là thủy sản ước đạt 2,44 tỷ USD, giảm 16,1%; cà phê ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 38,2%; gạo ước đạt 1,1 tỷ USD, giảm 10,7% và cao su ước đạt 464 triệu USD, giảm 5,2%...

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng giảm mạnh, trong tháng 5 ước đạt 348 triệu USD, giảm 23,2% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, nhóm này ước đạt gần 2 tỷ USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2014.

"Tăng trưởng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2015 không cao do kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm gần 3,1 tỷ USD so với cùng kỳ," ông Vỵ nói.

Trong khi đó, nhờ sự tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến, với giá trị xuất khẩu 5 tháng đạt khoảng 49,27 tỷ USD (tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2014) đã giữ cho kim ngạch xuất khẩu chung không bị giảm sâu.

Đóng góp lớn nhất gồm các mặt hàng như: Điện thoại và linh kiện ước đạt 11,8 tỷ USD; hàng dệt và may mặc ước 8,11 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước 6,02 tỷ USD...

Về thị trường xuất khẩu, lãnh đạo Vụ Kế hoạch cho hay, xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 117,6%; EU tăng 8,6% nhưng xuất khẩu vào ASEAN giảm 3,7%; Nhật Bản giảm 6% và Trung Quốc giảm 1,2%.

Nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ và điện thoại tăng mạnh

Ở chiều ngược lại, Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Tháng 5, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng Tư. Tính chung 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 66,17 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 39,68 tỷ USD, tăng 23,2%.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch cho biết, sau 5 tháng, nhóm hàng cần nhập khẩu đạt khoảng 58,38 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong đó nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước 11,5 tỷ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước 9,36 tỷ USD.

Ngoài ra, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ. Còn nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu ước khoảng 2,49 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 62,8% về lượng và tăng 60,1% về trị giá so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhập khẩu điện thoại di động cũng tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2014..

Qua 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN chiếm gần 16%, các nước Đông Á chiếm 68,7%, riêng Trung Quốc chiếm gần 31% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Như vậy, nhập siêu tháng 5 ước đạt 900 triệu USD, bằng 6,7% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 5 tháng, cả nước nhập siêu 2,97 tỷ USD, bằng khoảng 4,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trước dấu hiệu suy giảm của nhóm nông lâm thủy sản, tại buổi họp giao ban, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các biện pháp nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Trước mắt sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống thu mua và tiêu thụ hàng nông sản trong nước đồng thời có các biện pháp để kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ các thị trường nước ngoài vào Việt Nam.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo thực hiện việc kiểm soát nhập siêu cả năm 2015 dưới mức 5%, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ có những chính sách hợp lý nhằm kiểm soát chặt chẽ nhóm hàng hạn chế nhập khẩu và nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu. Đồng thời, thực hiện hàng loạt các giải pháp về Xúc tiến thương mại cũng như đàm phán FTA để gia tăng xuất khẩu.

Nguồn: vnanet.vn

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam