Trong khi nhu cầu tiêu thụ của thế giới giảm và việc XK đi các thị trường lớn không được thuận lợi thì XK chả cá và surimi Việt Nam sang khu vực thị trường Đông Nam Á trong năm nay lại có nhiều khả quan, tiêu biểu là thị trường ASEAN. Kết thúc tháng 11 năm nay, giá trị XK surimi Việt Nam sang ASEAN đạt gần 40 triệu USD và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Năm 2013, XK chả cá và suirmi của Việt Nam sang ASEAN đã có nhiều đột phá mới khi thị trường này dần khẳng định vị thế và có những bước tiến vượt bậc trong danh sách các nhà NK lớn surimi của Việt Nam. Lần đầu tiên trong khoảng 5 năm trở lại đây, ASEAN đã vượt qua Nhật Bản và vươn lên vị trí thứ 2 sau Hàn Quốc, chiếm gần 20% tổng giá trị XK surimi của cả nước trong giai đoạn này.
Mười một tháng đầu năm 2013, Malaysia là thị trường duy nhất trong số 3 nhà NK lớn thuộc khối giảm giá trị NK chả cá và surimi Việt Nam tương ứng 10%, trong khi Thái Lan và Singapore vẫn tăng trưởng khá lần lượt là 15,8% và 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù giá trị NK không lớn chỉ đạt khoảng 3 triệu USD và chiếm chưa đến 2% tổng giá trị XK surimi của cả nước nhưng Malaysia lại là thị trường có tốc độ tăng trưởng NK ấn tượng nhất trong tháng 11 năm nay với mức 232,9% và đạt 705.000 USD. Từ những tháng đầu năm, XK surimi Việt Nam sang Malaysia cũng không được ổn định. Có 5 tháng (1, 3, 4, 5 và 11), giá trị XK tăng trưởng dương từ 2 - 232,9% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên tính đến hết tháng 11 năm 2013, tổng giá trị XK sang thị trường này vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm trước do có nhiều tháng trước đó giá trị XK giảm mạnh.
Những năm gần đây, Malaysia đẩy mạnh NK thủy sản nguyên liệu thô từ Trung Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á để chế biến nhằm tạo thêm giá trị gia tăng trước khi tiêu thụ trong nước hay XK sang khu vực Trung Đông. Một trong những thế mạnh của Malaysia là mối liên kết chặt chẽ với thị trường Dubai và các nước Trung Đông khác nên việc XNK thủy sản của nước này cũng gặp thuận lợi và được hưởng mức giá ưu đãi hơn.
Ngoài ra, nhờ Thỏa thuận Tự do Thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN nên hàng thủy sản NK của Malaysia từ Trung Quốc cũng có giá rẻ hơn. Mặc dù Malaysia không thể cạnh tranh với Indonesia và Việt Nam về sản lượng thủy sản nhưng nước này không gặp những khó khăn mà Indonesia đang gặp như thiếu điện và nhiên liệu.
Hiện nay, Chính phủ Malaysia cũng đang áp dụng biện pháp trợ cấp cho ngành khai thác như trả tiền để khuyến khích ngư dân cập cảng nội địa thay vì sang Thái Lan, đồng thời trợ giá đến 35% chi phí nhiên liệu mỗi tháng cho ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản với mục đích tăng sản lượng thủy sản đánh bắt trong nước để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và XK đi các thị trường trên thế giới.
Nguồn:Vasep
Nguồn:Vasep