Năm 2014, kim ngạch XK hàng hóa của TP.HCM ước đạt trên 32 tỉ USD, tăng 8,8% so với cùng kì 2013. Điểm sáng của bức tranh kinh tế thành phố trong năm là thị trường XK, NK được đa dạng hóa, không còn phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.
Trong năm 2014, phần lớn các mặt hàng XK chủ đạo của TP.HCM như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác vẫn duy trì được mức tăng trưởng kim ngạch so với năm 2013. Bên cạnh đó, một số mặt hàng có kim ngạch XK giảm so với cùng kì chủ yếu do nguyên nhân khách quan, có thể kể đến như: Máy vi tính và sản phẩm điện tử (do một số DN trong khu công nghệ cao tạm ngưng sản xuất), sắn và các sản phẩm từ sắn (do giá giảm), cao su (do nguồn cung thế giới tăng cao và giá giảm). Cơ cấu thị trường XK của thành phố vẫn tập trung nhiều ở khu vực châu Á chiếm tỉ trọng trên 57%, châu Mỹ trên 21%, châu Âu gần 18%, châu Phi và châu Đại Dương trên 3%.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, trong năm 2014, nhìn chung chất lượng XK của thành phố vẫn tiếp tục được nâng lên và phát triển theo hướng bền vững, tỉ trọng nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm trên 69%, (vượt mục tiêu đề ra của TP.HCM đến năm 2020 là 62%) nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm trên 22%. Xuất khẩu dịch vụ có bước phát triển khá phù hợp với lợi thế cạnh tranh của thành phố. Khu vực kinh tế trong nước có sự phục hồi và tăng trưởng khá, tăng 8,5% (cùng kì 2013 giảm 8%).
Đặc biệt, thị trường XK của thành phố trong năm 2014 đã có sự đa dạng hóa rõ nét, hạn chế dần sự phụ thuộc vào thị trường nhất định. Hiện nay hàng hóa của TP.HCM đã được XK sang 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch XK tăng mạnh ở khu vực Đông Bắc Á, tăng 32,5% (trong đó Hàn Quốc tăng 105%, Hồng Kông tăng 98%, Nhật Bản tăng 13%, Trung Quốc chỉ tăng 4,1%.).
Về NK, kim ngạch NK trong năm 2014 ước đạt gần 26 tỉ USD tăng 0,3% so với cùng kì (cùng kì năm 2013 tăng gần 15%). Các mặt hàng NK tăng so cùng kì là máy móc thiết bị và phụ tùng, vải các loại, sắt thép các loại, nguyên phụ liệu dệt may da và giày, chất dẻo nguyên liệu, điện thoại và linh kiện. Các mặt hàng NK giảm so với cùng kì như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phân bón các loại, đá quý, kim loại quý, bánh kẹo và và sản phẩm từ ngũ cốc. Về cơ cấu, nhóm hàng NK chiếm tỉ trọng cao gần 76%, nhóm hàng cần thiết NK nhưng phải kiểm soát, chiếm tỉ trọng gần 18%, nhóm hàng cần hạn chế NK chiếm nhỏ nhất trên 6,2%
Tương tự như XK, các DN đã chủ động và tích cực trong việc đa dạng hóa thị trường NK. Điển hình như vải nguyên liệu đang tăng cường NK ở Hồng Kông (tăng trên 31%), Hàn Quốc tăng trên 34%, Nhật Bản tăng 12%. Đài Loan tăng 13%, Malaysia tăng 190%, giảm NK từ Trung Quốc (giảm trên 16%); nguyên phụ liệu dệt may, da giày chuyển hướng thị trường NK sang Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, NewZealand, Ý... NK từ Trung Quốc giảm 17%.
Nhận định về hoạt động NK của thành phố trong năm 2014, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho rằng, việc NK các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng XK trong thời gian tới. Đặc biệt, tại TP.HCM, hoạt động đầu tư phát triển nguyên liệu hỗ trợ đang dần được hình thành và thay thế hàng NK. Các DN trong nước đang hình thành chuỗi liên kết giữa DN XK và DN sản xuất nguyên phụ liệu. Theo đó, giá trị gia tăng trên sản phẩm XK có xu hướng tăng lên và dẫn đầu cả nước. Hiện nay chỉ số này của TP.HCM là khoảng từ 18% đến 20%, trong khi các địa phương khác ở mức từ 5% đến 8%. Kết quả trên cho thấy các giải pháp của thành phố về tháo gỡ khó khăn cho DN đã bắt đầu phát huy hiệu quả tích cực.
Năm 2015, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch XK từ 8% đến 10% so với kết quả thực hiện trong năm 2014. Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Hứa Ngọc Thuận cho biết, năm 2015, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả xúc tiến XK vào các thị trường truyền thống, thị trường mới có nhiều tiềm năng với những ngành hàng, mặt hàng phù hợp. Tiếp tục đa dạng hóa các thị trường XK, NK. Đẩy mạnh XK theo hướng tăng XK các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao, giảm dần tỉ trọng hàng thô và sơ chế, thúc đẩy XK dịch vụ. Hạn chế NK hàng tiêu dùng xa xỉ, thiết bị công nghệ lạc hậu, hàng hóa vật tư trong nước đã sản xuất được. Ưu tiên NK vật tư, thiết bị và công nghệ tiên tiến. Phát triển XK theo hướng bền vững, theo dõi biến động giá cả các hàng hóa NK thiết yếu và dự báo biến động giá cả để có hướng tập trung XK các mặt hàng có nhu cầu và giá cao...
Nguồn: Báo Hải quan
Nguồn:Hải quan Việt Nam